Tình người, trách nhiệm cộng đồng là động lực giúp người dân và lực lượng chức năng vùng biên vượt qua tâm dịch nCoV.
Những ngày này, việc thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) vẫn diễn ra nhưng rất khác ngày thường.
Mỗi ngày chỉ có vài chục người Trung Quốc từ Việt Nam vội vã kéo theo hành lý xuất cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị trở về nước.
Người nhập cảnh được kiểm tra y tế, đưa về khu cách ly tại cửa khẩu Hữu Nghị
Ở chiều ngược lại, cả trăm người Việt Nam trở về từ Trung Quốc mỗi ngày.
Đón người dân trở về quê hương, các lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế, hải quan, biên phòng tại cửa khẩu lại tất bật triển khai các công tác phòng dịch.
Người hướng dẫn người nhập cảnh rửa tay, đeo khẩu trang, người hỗ trợ dân kê khai thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, nơi đến - đi, các vùng, miền đã đi qua trên nước bạn...
Lập hồ sơ y tế từng người nhập cảnh, thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng; phòng, chống dịch bệnh
Vừa qua cửa kiểm tra y tế, chị Bùi Thị Thắm (xóm 4, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) bùi ngùi chia sẻ với phóng viên: “Có mặt tại Trung Quốc trong những ngày qua là ác mộng đối với chúng tôi.
Bị cấm đi lại, không được ra khỏi nhà, không có việc làm, thu nhập, thực phẩm cũng thiếu thốn lại lo bị nhiễm dịch bệnh khiến ai cũng mất ăn, mất ngủ. Nay mừng quá, nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, tôi đã trở về nước an toàn”.
Chị Thắm cùng vài chục người khác sau khi hoàn thiện thủ tục y tế và nhập cảnh, được lực lượng bộ đội biên phòng chia nhóm, dùng xe chuyên dụng đưa về nơi cách ly 14 ngày theo quy định.
Đôi mắt không giấu được mệt mỏi sau những ngày làm việc hết công suất, bác sĩ Hoàng Phúc Sinh - người phụ trách công tác kiểm tra y tế quốc tế tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: “Không chỉ kiểm tra thân nhiệt, lập hồ sơ y tế của từng người nhập cảnh, sau mỗi ca làm việc, chúng tôi đều phải thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng; phòng, chống dịch bệnh tại đường xuất, nhập cảnh, thông quan hàng hóa, trụ sở làm việc và xung quanh khu cửa khẩu. Rất rất nhiều việc, mệt mỏi nhưng chúng tôi động viên nhau cùng vượt qua”.
Khác với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, các hoạt động thông thương, qua lại tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn đang tạm dừng. Tại đây, hiện có hơn 250 xe chở hơn 5.000 tấn thanh long đang nằm chờ cấp lệnh qua biên giới. Trong đó, nhiều tài xế đã ăn chực nằm chờ từ trước Tết.
Điều khác lạ là dàn xe không tắt máy nằm chờ mà cứ khoảng 2 tiếng, các tài xế lại lục tục lên cabin nổ máy để làm lạnh thùng xe cho thanh long khỏi hỏng.
Tài xế Nguyễn Hồng Minh, người xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết: “Tôi chở thanh long từ Long An ra đây từ 26 Tết, đến mùng 2 Tết thì đến cửa khẩu. Mỗi ngày, chi phí ăn nghỉ, bến đỗ, bảo quản hàng hóa mất khoảng 1.000.000 đồng/người và xe. Nằm đây vừa trông hàng vừa lo lây virus Corona. Hy vọng sẽ sớm đến lượt được chở hàng qua biên giới, nếu chờ cả tháng thì hàng chỉ đổ bỏ”.
Các lái xe hỗ trợ nhau ăn, nghỉ tại cửa khẩu Tân Thanh
Ngồi cạnh đó, tài xế Đặng Hữu Hưởng, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Trong khó khăn, anh em lái xe chia nhau từng gói mỳ tôm, miếng bánh mỳ. Chúng tôi động viên nhau bám trụ, vớt lại chút vốn sau chuyến hàng tồn”.
“Mà cũng hết dịch mới trở về tránh nguy cơ ảnh hưởng đến gia đình, người thân”, anh Hưởng nói.
Ông Tôn Văn Hà, Phó chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh: “Hiện giờ việc cảnh báo, chốt chặn, không cho người dân 2 nước đi qua các đường mòn, lối mở để kiểm soát không cho lây lan dịch là quan trọng nhất hiện nay. Bên cạnh đó, hai bên đang tích cực kết nối để sớm mở lại cửa khẩu, giải cứu số lượng lớn nông sản đang tồn đọng”.
Chủ hàng, lái xe xuất nhập khẩu được kiểm tra sức khỏe tại cửa khẩu Hữu Nghị
Những ngày đầu thực hiện phương án cách ly người dân trở về từ biên giới Trung Quốc, Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi phần lớn cán bộ, chiến sỹ mới chỉ 19, 20 tuổi. Nhiều chiến sỹ mặt trẻ măng vừa nhập ngũ đầu năm trước.
Không ít chiến sỹ trước khi nhập ngũ là những “cậu ấm” được bố mẹ chăm sóc từng ly từng tý, vừa thành người lính nhiều việc vẫn còn phải được các cán bộ trong Trung đoàn cầm tay, chỉ việc... Nay, họ bỗng trở thành người chăm sóc đặc biệt, bảo đảm ăn, nghỉ, vệ sinh môi trường; theo dõi sức khỏe cho 410 người dân được đưa về cách ly 14 ngày theo quy định.
Các suất ăn được chuẩn bị chu đáo, sạch sẽ, đảm bảo, phát đến tận tay cho từng người dân ở khu cách ly.
Cả Trung đoàn có 83 cán bộ, chiến sỹ, bình quân mỗi người phải chăm sóc từ 4 - 5 người dân. Trong đó, đa phần là nữ giới, người lớn nhất 59 tuổi, nhỏ nhất có vị khách mới hơn 1 tuổi, có nhu cầu, đòi hỏi khác nhau.
Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 123 nhấn mạnh: Ngoài việc bảo đảm an ninh, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và sức khỏe cho người dân đến cách ly, Trung đoàn luôn yêu cầu các chiến sỹ phải chủ động phòng, tránh dịch bệnh cho chính mình như thường xuyên sử dụng khẩu trang, găng tay, dụng cụ bảo hộ.
“Đặc biệt, một số vị khách đã từng bị cơ quan chức năng Trung Quốc giữ lại cách ly 14 ngày trên nước bạn, khi trở về Việt Nam lại được đưa đến đây cách ly tiếp nên kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, bằng sự chân thành, các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn vẫn kiên trì giải thích giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm mình với người dân cả nước”, Thượng tá Quyền nói.
Vị trung đoàn trưởng chia sẻ: “Vất vả, mệt nhọc nhưng niềm vui lớn nhất là sau gần 1 tuần theo dõi tại đơn vị chưa ghi nhận trường hợp phải cách ly nào có biểu hiện bất thường về sức khỏe”.
Bên trong khu cách ly tại Trung đoàn 123.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận