Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc ngày 30/11 |
Ai không làm được thì loại ra khỏi bộ máy
Một trong những nội dung quan trọng được Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh tại buổi làm việc là công tác giải ngân. Theo Bộ trưởng, công tác giải ngân của ngành GTVT chưa đạt yêu cầu. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chịu trách nhiệm đốc thúc các đơn vị liên quan, đặc biệt là các ban QLDA của Bộ đẩy nhanh tiến độ.
Trong khi ngân sách cho nhiệm kỳ này rất hạn hẹp, được ưu tiên chuyển vốn để thực hiện các dự án là điều đáng quý, do vậy không thể để tình trạng có tiền mà không tiêu được. Việc giải ngân đúng, đủ, kịp tiến độ ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, còn giúp tạo thêm việc làm cho CB,CNV-LĐ trong ngành, đồng thời góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Các đơn vị cần tập trung cho công tác giải ngân theo đúng tinh thần chúng ta đã làm với công tác quyết toán. Ai không làm được thì phải loại ra khỏi bộ máy”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Báo cáo về công tác xây dựng và phê duyệt Đề án, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết: 11 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 đề án (gồm Đề án Nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng không dân dụng; Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 và Đề án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030) và cho ý kiến về Đề án Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Đến nay, còn 3 đề án Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt, gồm Đề án Kết nối giao thông giữa Việt Nam với Campuchia; Đề án Quy hoạch tổng thể trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. |
“Giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ của Bộ GTVT mới được 32%, thuộc nhóm dưới 50%, nhóm bị Chính phủ đánh giá rất thấp về nỗ lực cố gắng”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh thêm: Báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Nhật nêu rõ việc giải ngân của các Ban QLDA theo đăng ký với Bộ mới đạt được 49%. Như vậy là chúng ta tự đăng ký và chưa hoàn thành theo đăng ký của mình.
Từ đây, Bộ trưởng yêu cầu khi đánh giá Ban QLDA cần lưu ý khả năng thực hiện giải ngân và quyết toán, đồng thời giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ngay trong tuần này tổ chức ngay một cuộc họp riêng về vấn đề giải ngân. Các Thứ trưởng khác có dự án liên quan cũng cần tham dự cuộc họp để tổ chức đôn đốc thực hiện công tác quan trọng này. “Cần tập trung cao độ như chúng ta đang làm với quyết toán”, Bộ trưởng yêu cầu.
Về công tác quyết toán dự án hoàn thành, Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc cho biết, với các dự án vốn NSNN, 11 tháng đầu năm, các đơn vị đã lập và trình cơ quan có thẩm quyền 899 dự án với tổng giá trị hơn 81,7 nghìn tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch. Riêng tháng 11, con số này là 133 dự án, đạt hơn 5,9 nghìn tỷ đồng.
Đối với công tác thẩm tra, phê duyệt, quyết toán dự án hoàn thành, theo ông Quốc, trong tháng 11, Bộ và các đơn vị thẩm tra, phê duyệt được 123 dự án với giá trị phê duyệt đạt hơn 7,9 nghìn tỷ đồng. Tính cả 11 tháng, đã thẩm tra, phê duyệt được 882 dự án với giá trị phê duyệt hơn 53,6 nghìn tỷ đồng.
Nếu công tác quyết toán dự án trong 11 tháng đầu năm với các dự án vốn NSNN tương đối tốt, các dự án BOT, dù đã có tiến triển song vẫn còn tồn tại. Cụ thể, ông Quốc cho biết, trong tháng 11, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) đã hoàn thành thẩm tra, thẩm định dự toán được 32 dự án; Các nhà đầu tư trình quyết toán 8 dự án. Như vậy đến nay, trong tổng số 56 dự án BOT, BT đã hoàn thành, còn 18 dự án nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để trình quyết toán, trong đó 5 dự án phải trình năm 2016, 13 dự án trình trong năm 2017.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá các đơn vị đã nghiêm túc, tập trung, thực hiện thanh quyết toán tương đối tốt các dự án sử dụng vốn NSNN, cơ bản vượt thời gian đề ra. Với các dự án BOT, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nỗ lực hơn nữa.
“Công tác quyết toán một số dự án BOT được dư luận rất quan tâm, chúng ta phải tập trung đẩy nhanh tiến độ”, Bộ trưởng nói và nêu rõ: “Chỉ có thông qua quyết toán, chúng ta mới giải tỏa được bức xúc của xã hội. Chỉ có qua quyết toán, mọi chuyện mới được minh bạch”.
Phải tiếp thu, cầu thị trong xây dựng VBQPPL
Trước đó, báo cáo Ban Cán sự về công tác xây dựng VBQPPL, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, trong tháng 11/2016, Bộ GTVT đã trình Chính phủ 5 dự thảo Nghị định, nâng tổng số văn bản Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 11 tháng đầu năm lên 23 dự thảo văn bản (gồm 20 dự thảo Nghị định và 3 dự thảo Quyết định), hoàn thành 100% kế hoạch.
“Trong 11 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 văn bản”, bà Nga nói và cho biết thêm: Sau 11 tháng tập trung xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT đã xây dựng xong 98/125 văn bản được Bộ trưởng giao.
Trong tháng 12, bà Nga cho biết, theo kế hoạch, Bộ GTVT phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện, cơ sở tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Cùng đó, các cơ quan đơn vị cũng phải trình Bộ trưởng ký ban hành 8 Thông tư.
Chỉ đạo công tác quan trọng này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa lưu ý các đơn vị phải có thái độ tiếp thu, cầu thị trong việc xây dựng VBQPPL. “Khi xây dựng văn bản, phải dành sự quan tâm thích đáng đến kênh tiếp thu ý kiến đóng góp để có sự điều chỉnh phù hợp. Quan điểm của Quốc hội, của Chính phủ là cái gì không phù hợp thì sẵn sàng dành thời gian lắng nghe và sửa ngay. Bộ GTVT cũng phải thế”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh thêm: “Văn bản ra đời phải đảm bảo đem lại quyền lợi rộng rãi nhất, phải có chất lượng và “tuổi thọ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận