|
Cụ thể, khi soi chiếu hành lý ký gửi, an ninh sân bay đã nhận thấy hành khách P.K.H. (SN 1986, thường thú tại Cần Thơ) làm thủ tục hàng không gửi 10 kiện hành lý từ Hà Nội đi TP HCM. Đáng lưu ý, dù bên trong có chứa số lượng lớn mỹ phẩm còn nguyên hộp, trên vỏ ghi chữ Hàn Quốc nhưng tại thời điểm kiểm tra, chị H. không xuất trình được giấy tờ liên quan.
Chị H. cho biết vừa từ Hàn Quốc về Việt Nam trên chuyến bay VN427 từ Busan về Nội Bài. Khi sang nhà ga T1 để làm thủ tục hàng không đi TP HCM thì bị lực lượng chức năng phát hiện.
An ninh hàng không sân bay sau đó phối hợp với hãng hàng không lập biên bản huỷ chuyến với chị H. đồng thời nhà chức trách hàng không cũng lập biên bản, bàn giao người, tang vật cho Đội Quản lý thị trường xử lý theo quy định.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, bất chấp nỗ lực của các lực lượng chức năng, tình trạng mang lậu hàng cấm, hàng giả cũng như những bộ phận của các loại động vật hoang dã quý hiếm được quy định trong Công ước quốc tế về cấm buôn bán thương mại (CITES) vẫn khá phổ biến.
Được biết, để giảm thiểu tình trạng này, nhà chức trách hàng không đã yêu cầu các đơn vị phân công lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và gắn trách nhiệm của người đứng đầu từ cấp tổ đội trở lên; Xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực…
Các hãng hàng không được yêu cầu tuyên truyền trong nội bộ không sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Vận động người lao động tố giác các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận