Liên quan đến chủ trương chuyển mạng giữ nguyên số được Bộ TT&TT yêu cầu thực hiện mới đây, có một số phản ánh về tình trạng nhà mạng gây khó khăn cho khách hàng.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, quy định chuyển mạng giữ số đã được Bộ triển khai 2 tháng nay và tỉ lệ thành công chuyển đổi theo đánh giá của Bộ đến nay là khoảng 53%. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cũng có những khó khăn ban đầu.
Về phía Bộ TT&TT, ông Bảo cho biết đã xây dựng chỉ tiêu và đưa ra quy trình rất cụ thể. Tuy nhiên, sau 2 tháng triển khai, Bộ cũng đã lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và cũng đã 4 lần sửa quy trình để tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Cùng với đó, đã tổ chức giao ban hằng tuần với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bộ cũng yêu cầu các nhà mạng công khai quy trình chuyển đổi và điều kiện chuyển đổi trên mạng để người dân giám sát. "Và chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí giám sát, phản ánh để Bộ có biện pháp xử lý kịp thời" - ông Bảo nói.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, trong tháng này, Bộ sẽ công bố đường dây nóng để trong quá trình chuyển đổi, nếu có khó khăn, vướng mắc gì, người dân có thể thông tin trực tiếp. Còn về cơ bản, các dịch vụ đang triển khai tốt. Tuy nhiên do dịch vụ mới nên vẫn còn một số khó khăn. Bộ và các doanh nghiệp đang xử lý vụ việc này.
Trao đổi với báo Giao thông trước đó về chủ trương cho chuyển mạng giữ nguyên số, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cũng chia sẻ nhiều lợi ích khi thực hiện việc này.
Cụ thể, khi chuyển mạng giữ nguyên số, với thuê bao di động sẽ đem lại khả năng lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình trong khi vẫn giữ được số điện thoại, xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới, gây rắc rối trong công việc và sinh hoạt của thuê bao di động.
Đối với doanh nghiệp viễn thông sẽ có thêm động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, cách thức chăm sóc khách hàng, năng lực cạnh tranh, phát triển các dịch vụ mới nhằm thu hút thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa.
Đối với thị trường viễn thông, sẽ tạo ra xu hướng cá thể hóa số điện thoại qua đó góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ ứng dụng viễn thông, giá trị gia tăng đi kèm.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc này sẽ giúp cơ quan quản lý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ, thúc đẩy thị trường cạnh tranh và có thêm nguồn số liệu thống kê để đánh giá về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận