Nhiều hành khách phản ánh, Grab đã âm thầm tăng giá cước ít nhất 20-30%, thậm chí có quãng đường tăng 30-40% so với trước đây - Ảnh: Tạ Tôn |
Âm thầm tăng giá cước
Theo phản ánh của nhiều hành khách, từ khi chỉ còn một mình một chợ, Grab đã âm thầm tăng giá cước ít nhất 20-30%, thậm chí có quãng đường tăng 30-40% so với trước đây, không kể thời gian cao điểm hay nắng mưa. Nhiều người bức xúc cho rằng, đó là hành động không tôn trọng khách hàng.
Là khách hàng thường xuyên của Grab, anh Nguyễn Hồng Minh ở An Dương, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Cần một chuyến xe từ đường An Dương ra sân bay Nội Bài, tôi đã đặt GrabCar. Rất bất ngờ khi số cước Grab thông báo lên tới trên 250.000 đồng cho quãng đường khoảng 15km, trong khi thường ngày cùng hành trình ấy chỉ phải trả khoảng gần 200.000 đồng”.
"Theo quy định, việc tiến hành điều tra chính thức thương vụ Grab “thâu tóm” Uber tại thị trường Việt Nam sẽ kéo dài 6 tháng kể từ ngày công bố quyết định. Tuy nhiên, trước luồng dư luận hiện nay, chúng tôi cố gắng đẩy nhanh và sẽ công bố kết quả sớm hơn thời hạn”. Ông Trịnh Anh Tuấn |
Lúc anh Minh gọi xe đúng giờ cao điểm nên giá cước nhảy vọt. Anh quyết định gọi xe taxi truyền thống và ứng dụng của hãng taxi này thông báo số cước là 120.000 đồng. Như vậy, cùng một quãng đường đi xe Grab đắt hơn 100.000 đồng so với taxi truyền thống. “Mặc dù rất muốn đi Grab vì quen dùng rồi, nhưng với giá cước giờ cao điểm như vậy, tôi không thể sử dụng dịch vụ”, anh Minh cho hay.
Tương tự anh Minh, chị Lê Yến (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) bức xúc vì giá cước trên trời của Grab vào giờ cao điểm. Thời điểm chị gọi xe khoảng 18h. Với hành trình từ đường Hoàng Cầu đi Hoàng Quốc Việt, chị Yến thấy ứng dụng Grab báo giá cước 130.000 đồng cho quãng đường ước chừng 4-5km. Trong khi lúc về khoảng 22h, gọi xe Grab cùng quãng đường như trên, chị Yến chỉ phải trả 50.000 đồng.
Mới đây, ông Jerry Lim, Giám đốc GrabTaxi Việt Nam thừa nhận, Grab đã tăng cước phí các dịch vụ vận chuyển từ năm 2017 với lý do giá xăng tăng liên tục, chẳng hạn năm 2017 giá xăng đã tăng 6 lần. “Chúng tôi tăng cước là để công bằng với các đối tác vì tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi”, ông Jerry Lim nói.
Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trong khi giá mở cửa taxi truyền thống chỉ 6.000 đồng thì giá mở cửa của Grab lên đến 25.000 đồng. Từ năm 2016 đến nay đã có 5 lần giá xăng dầu điều chỉnh, các doanh nghiệp taxi truyền thống vẫn “không dám” điều chỉnh giá cước, đang cố “gồng mình” chịu đựng. Sau khi “thâu tóm” xong Uber, giá cước của Grab tha hồ “nhảy múa”, giờ cao điểm tăng đến 50%. Chưa kể Grab đang được hưởng lợi từ việc thu chiết khấu đối với lái xe với mức 28,5%.
“Với lý do xăng tăng, Grab phải điều chỉnh giá nhưng lái xe vẫn phải chịu mức chiết khấu và chịu thuế như cũ nên không thể nói là vì quyền lợi lái xe. Bản chất của Grab là công ty kinh doanh vận tải vì họ đã định đoạt giá cước”, ông Hùng nói.
Có vi phạm Luật cạnh tranh?
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã GTVT Toàn Cầu cho rằng, Grab đang có thị phần lớn nhất trong thị trường vận tải bằng taxi đúng như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có kết luận điều tra sơ bộ. “Với mức chiết khấu cao với đối tác, chỉ cần mức tăng giá cước 5-10% với thị phần lớn hiện nay, Grab đã “bỏ túi” khoản doanh thu rất lớn. Grab sẽ không chọn tăng 5-10% mà sẽ cao hơn, ở 30-40%. Nguyên nhân là do Grab đang giữ tỷ lệ ăn chia với tài xế trên 28%. Nếu tăng giá 5-10%, phần “kiếm thêm” của Grab với phần 28% sẽ nhỏ hơn nhiều khi tăng giá 30-40%”, ông Tuấn phân tích và nói: “Tôi nghĩ Grab đang nắm thế thượng phong, từ đó dốc sức tăng thêm doanh thu. Tuy nhiên, Grab quên rằng, khách hàng rất nhạy cảm với độc quyền và tăng giá nên Grab có thể mất thị phần, có thể mất hết khách hàng”.
Trước đó, ngày 16/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) thông báo sau khi kết thúc điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%, vi phạm Luật Cạnh tranh Việt Nam. Dư luận đặt dấu hỏi về tình trạng một mình một chợ thống lĩnh thị trường taxi công nghệ của Grab gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nếu để tình trạng khách hàng sợ hãi khi cước nhảy vọt, Grab sẽ đánh mất khách hàng.
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 8/6, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, với biểu hiện Grab tăng giá cước 30% chưa đủ để khẳng định DN này có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không?. “Giá sản phẩm là do DN tự quyết theo lẽ thuận mua vừa bán. Trước mắt, cơ quan quản lý cần chứng minh được Grab có đang lạm dụng vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường hay không? Phần việc này chúng tôi đang triển khai điều tra. Nếu họ độc quyền mà lại không giải trình được cơ sở, lý do tăng giá chính đáng thì sẽ bị xử lý ”, ông Tuấn phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận