Một CMND bị sử dụng cho 10 thuê bao khác của nhà mạng Viettel |
Khách tố bị trục lợi, nhà mạng trả lời lấp liếm
Mới đây, trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Hờ A Sùng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái cho biết, anh đăng ký sử dụng 2 thuê bao của VinaPhone và Viettel. “Ngay khi nhà mạng yêu cầu đăng ký và cung cấp thông tin thuê bao chính chủ, tôi đã bổ sung qua trang web của họ trong tháng 3. Đăng ký xong kiểm tra lại (bằng cách nhắn tin tới tổng đài 1414), tôi mới biết VinaPhone đã dùng số chứng minh nhân dân (CMND) của tôi đăng ký tận 7 số thuê bao khác. Trong khi tôi chỉ đăng ký duy nhất thuê bao 0123959xxxx, không hề biết tới số điện thoại nào khác”, anh Hờ A Sùng nói.
Tương tự, với thuê bao Viettel, ngoài sim 0165 290 xxxx đăng ký từ ngày 21/1, anh Sùng ngã ngửa thấy mình “được” đứng tên 10 thuê bao khác. “Phải chăng, các nhà mạng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi?”, anh Sùng đặt vấn đề và cho biết thêm: “Trong khi tôi cần một lời giải thích rõ ràng, nhà mạng lại cho nhân viên gọi điện yêu cầu tôi ra chi nhánh gần nhất để hủy bỏ những số điện thoại không phải do mình đăng ký”.
Theo quy định, nhà mạng chỉ cho phép khách hàng dùng 1 CMND để đăng ký cho tối đa 3 thuê bao hòa mạng trả trước. Không giới hạn số lượng đối với thuê bao trả sau với điều kiện tất cả các thuê bao phải cùng được hòa mạng tại cùng một điểm giao dịch, nhà mạng sẽ không hỗ trợ khách hàng làm thủ tục hòa mạng trả sau ở nhiều cửa hàng khác nhau cho cùng 1 CMND. |
Anh L.D. (Ba Đình, Hà Nội), chủ thuê bao 093455xxxx của MobiFone cũng hoảng hốt phát hiện CMND của mình được áp cho một thuê bao khác mà anh chưa từng sử dụng. “Có hay không nhà mạng lợi dụng khách hàng để hợp thức thông tin thuê bao cho sim rác? Nếu ai đó sử dụng số điện thoại kia vào mục đích xấu như nhắn tin đe dọa, khủng bố, gây án hoặc giao dịch phi pháp…, nhà mạng truy nguồn gốc thì vô hình trung tôi vướng vào rắc rối”, anh D. bức xúc.
PV Báo Giao thông mang thông tin này trao đổi với cả 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông kể trên, song tới thời điểm hiện tại mới chỉ có Viettel lên tiếng. Tuy nhiên, trong phần trả lời đại diện Viettel không thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình: “Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực là cơ hội để doanh nghiệp và khách hàng chuẩn hóa lại thông tin thuê bao. Trong trường hợp khách hàng phát hiện các số thuê bao không mong muốn, Viettel sẵn sàng hỗ trợ để khách hàng xác nhận và chỉ giữ lại các số thực sự đang sử dụng”.
Các câu hỏi khác của Báo Giao thông về việc xác định nguyên nhân, truy trách nhiệm… đều không được Viettel đề cập.
Khách hàng phải khắc phục cho sai phạm của doanh nghiệp?!
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Hữu Trí, Phó chánh Thanh tra Bộ TT-TT cho hay: Trong các cuộc thanh tra diện rộng thuê bao trả trước, năm nào cũng phát hiện phổ biến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng CMND của một khách hàng để đăng ký cho hàng loạt thuê bao khác. “Kết quả thanh tra năm 2013, phát hiện 90% các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước có sai phạm. Theo đó, các đại lý đã tự ý lấy CMND của khách hàng để đăng ký cho những sim kích hoạt sẵn. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp lực lượng thanh tra phát hiện bản scan CMND của khách hàng được chèn bừa hình bông hoa hoặc tờ rơi để hợp thức hồ sơ đăng ký”, ông Trí dẫn chứng.
Theo vị Phó chánh Thanh tra, tình trạng sai phạm trên của đại lý hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu nhà mạng nghiêm túc thực hiện rà soát, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, ông Trí cùng thừa nhận, rất khó để đánh giá có hay không việc nhà mạng trục lợi thông tin của khách hàng “tiếp tay” cho nạn sim rác, sim ma. “Tình trạng sim rác do lỗi của cả 3 bên: Nhà mạng muốn cạnh tranh, giành giật khách hàng tăng lượng thuê bao. Trong khi đó, đại lý kinh doanh lại muốn rút gọn thủ tục thu tiền nhanh, còn khách hàng lại được giải quyết nhu cầu mà không bị làm phiền. Rốt cuộc, khách hàng đăng ký thông tin nghiêm túc lại phải tự đi khắc phục bất cập cho dù lỗi không phải từ phía mình”, ông Trí nhận định.
Về chế tài xử lý vi phạm, ông Trí cho biết: Trước đây, thuê bao đăng ký sai chỉ bị thu hồi. Sau khi Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/4, nếu phát hiện sim không đăng ký thông tin chính xác, ngoài việc bị thu hồi, nhà mạng còn bị xử phạt hành chính tính theo đầu số vi phạm, tối đa ở mức 200 triệu đồng”. Được biết, trong tháng 7, Bộ TT-TT sẽ thực hiện đợt thanh tra diện rộng về việc thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP của các nhà mạng. “Thông thường, lực lượng thanh tra chỉ có thể xác minh nội dung hồ sơ thuê bao đã đăng ký có đúng thủ tục hay chưa, không có cơ sở đối chiếu thông tin thuê bao là của chủ hồ sơ đăng ký hay người sử dụng; trừ khi khách hàng tự kiểm tra, phát hiện và phản ánh”, ông Trí cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận