Kiểm tra mã code hành khách trước khi in vé tàu - Ảnh: Ngô Vinh |
Dự kiến trong năm nay, hành khách đi tàu có thể tự in vé để lên tàu rất thuận tiện, không phải ra ga lấy vé khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) hoàn thành giai đoạn 2 hệ thống bán vé tàu điện tử. Việc làm này kỳ vọng sẽ loại bỏ được tình trạng “cò vé” đang lộng hành tại nhiều ga lớn của ngành Đường sắt.
Thêm tiện ích
Cuối năm ngoái, hệ thống bán vé tàu điện tử được đưa vào áp dụng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hành khách có thể mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi miễn là có thiết bị kết nối internet, không phải chen lấn xô đẩy tại các nhà ga hay vất vả tìm mua được tấm vé qua các đại lý với giá cao hơn giá niêm yết trên vé. Điều quan trọng nhất là hệ thống bán vé tàu điện tử đã tạo ra sự công bằng gần như tuyệt đối trong việc mua bán vé tàu. Ai đặt chỗ trước sẽ mua được trước. Tất cả đều công khai, minh bạch trên hệ thống.
Tuy nhiên, hành khách vẫn mong mỏi hệ thống này đạt được nhiều tiện ích hơn nữa, có thể in vé tàu tại bất cứ đâu và cầm chiếc vé đấy để lên tàu. Theo quy định hiện nay, hành khách sau khi đã đặt được vé trên mạng và thanh toán xong tiền vé vẫn phải ra ga lấy vé tàu.
Anh Nguyễn Văn Tú, nhân viên marketing tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, mua vé tàu đã thuận tiện hơn trước nhiều nhờ hệ thống vé điện tử. Nhưng nếu ngành Đường sắt nhanh chóng cho phép hành khách tự in vé (vé tàu điện tử) thay vì phải ra ga lấy vé thì sẽ thuận tiện hơn rất nhiều cho hành khách.
Còn bà Tú Oanh ở Cầu Diễn, Hà Nội lại cho rằng, khi hành khách có thể tự in vé thì tốt quá. Những hành khách ở xa nhà ga sẽ tiết kiệm được thời gian.
Kiểm tra thông tin cá nhân hành khách đi tàu với thông tin trên vé - Ảnh: Ngô Vinh |
Kiểm soát chặt thông tin vé tàu như khi đi máy bay
Thực tế ngay từ khi đặt “đầu bài” để xây dựng hệ thống bán vé tàu điện tử, cả VNR và Tập đoàn FPT đã đặt mục tiêu và đưa ra lộ trình cụ thể để áp dụng in vé tàu điện tử vào dịp cao điểm Tết năm nay.
Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT) - đối tác thực hiện dự án Hệ thống bán vé điện tử của VNR nhấn mạnh, để hành khách có thể tự in vé tàu, về mặt kỹ thuật thì không khó. Quan trọng nhất là phía VNR phải được các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cấp phép về phát hành hóa đơn điện tử và phải xây dựng được cơ chế, chính sách về phát hành vé điện tử.
Theo hợp đồng ký kết với VNR, FPT sẽ cung cấp cho VNR 120 bộ thiết bị kiểm soát cầm tay để thực hiện việc kiểm soát trên tàu. Ngoài ra, tại một số nhà ga lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn sẽ được trang bị các thiết bị soát vé tự động. Hiện FPT đang khảo sát, lựa chọn thiết bị để sớm đưa vào thử nghiệm và áp dụng thực tế khi được phép. |
“Chúng tôi sẽ điều chỉnh lại hệ thống cho phù hợp, bổ sung thêm các tính năng như cung cấp mã code cho khách hàng khi in vé điện tử; tích hợp với các cổng soát vé tự động tại ga và thiết bị kiểm soát cầm tay trên tàu…”, ông Bình nói.
Theo quy định, mỗi tấm vé như là hóa đơn tài chính, phải tuân thủ quy định quản lý hóa đơn của Bộ Tài chính. Vì thế, chỉ ngành đường sắt mới được phép in vé tàu. Với việc in vé tàu điện tử, phải có hệ thống quản lý mới nên cần phải sửa đổi cho phù hợp.
Liên quan đến việc hệ thống vé tàu điện tử mới, khi hành khách tự in vé có chống được “cò vé”, ông Bình khẳng định khó có thể triệt tiêu hoàn toàn, mà chỉ có thể giảm thiểu đến mức tối đa. Trên vé điện tử có mã code ma trận điểm ảnh để thiết bị kiểm soát nhận diện được. “Mỗi vé chỉ có một mã nên nếu hành khách mua vé từ “cò vé” mà không đúng thông tin cá nhân đã cung cấp khi đặt chỗ qua mạng, tấm vé đó không hợp lệ và không có giá trị đi tàu”, ông Bình nói.
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề chống “cò vé”, anh Nguyễn Văn Tú, nhân viên marketing tại quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, việc cung cấp thông tin cá nhân để kiểm soát vé như khi đi máy bay là đương nhiên để đảm bảo an ninh, an toàn và chống “cò vé”. Ngành Đường sắt nên tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn về hình thức mua vé điện tử, vì hiện nay nhiều người chưa quen với hình thức này.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thời gian thực hiện các trình tự thủ tục pháp lý và đáp ứng các điều kiện theo luật định để xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử. VNR đang đẩy nhanh làm việc với Bộ Tài chính và các bên liên quan để tháo gỡ những vướng mắc.
“Ban chỉ đạo hệ thống bán vé điện tử thường xuyên họp để kiểm điểm tiến độ, xử lý các vướng mắc phát sinh trong việc triển khai in vé tàu điện tử. Chúng tôi cũng đang khẩn trương xây dựng và ban hành các quy chế, quy định phát hành vé tàu điện tử về in vé, soát vé, đổi vé, trả vé, kể cả các quy định về xử lý các tình huống có thể xảy ra trong thực tế như mất vé, hỏng vé (hỏng mã code)”, ông Hoạch cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận