Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Shangri-La |
Đối thoại Shangri-La 2016 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 3-5/6. Tới tham dự Hội nghị có sự tham gia của ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam là Thứ tưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Tại đây, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Về phía Việt Nam, một lần nữa quan điểm nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra tại cuộc đối thoại này.
Trước 600 quan chức quốc phòng bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức cấp cao, học giả, Giám đốc điều hành có mặt tại Đối thoại Shangri-La 2016, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha có bài phát biểu khai mạc dài 30 phút, tập trung vào các vấn đề an ninh khu vực. Trong đó về vấn đề Biển Đông, ông Prayut kêu gọi các nước liên quan trong căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông như: Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Trung Quốc hãy chọn hợp tác để vượt qua xung đột. “Các bên liên quan hãy có những hoạt động mang tính xây dựng và hợp tác để vấn đề tranh chấp chủ quyền không là chướng ngại” – Thủ tướng Thái Lan nói.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng khẳng định vai trò không thể thiếu của quân đội trong việc gìn giữ an ninh và hoà bình của Thái Lan. “Là cựu quan chức quân đội, tôi tin tưởng, quân đội Thái Lan sẽ không hạn chế vai trò của mình ở việc bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn ủng hộ tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp Thái Lan”. “Tôi có thể đảm bảo, Thái Lan sẽ quay trở về chế độ dân chủ theo đúng lộ trình và Thái Lan sẽ kiên trì thực hiện tiến trình dẫn chủ, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quốc tế mà chúng tôi đã và đang luôn luôn hoàn thành” – Thủ tướng Thái Lan nói.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha có bài phát biểu quan trọng khai mạc Đối thoại Shangri-La 15 |
Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (SLD15) có nội dung quan trọng là hóa giải những nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Biển Đông không chỉ là vấn đề của riêng ASEAN và Trung Quốc hay của các quốc gia trong khu vực mà đã trở thành vấn đề quốc tế, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí và truyền thông tại Đối thoại Shangri La lần này. Tất cả các nước có lợi ích và có liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Austrailia, New Zealand… đều quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Sự can dự của các nước lớn đang mang đến những cơ hội phát triển cho các nước nhỏ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng cũng đặt ra những thách thức mới.
Nhận định về đối thoại lần này, nhiều chuyên gia cho rằng an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận