Phát biểu chỉ đạo công tác chấm giải, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình, đầy đủ của các cơ quan báo chí, các cấp hội, liên chi hội nhà báo trong cả nước; biểu dương các cấp hội, liên chi hội lớn, theo truyền thống vẫn là các đơn vị đi đầu tham gia với nhiều tác phẩm có chất lượng cao và số lượng lớn. Hầu hết các tác phẩm gửi dự giải đều đúng quy định.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia phát biểu tại buổi họp
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cũng lưu ý một số cấp hội, cơ quan báo chí trong quá trình tuyển chọn còn nhiều sơ sót, với hơn 150 tác phẩm phạm quy, không đúng điều lệ của giải. Đó là điều hết sức đáng tiếc.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lợi, ảnh Báo chí vẫn là điểm yếu của Giải Báo chí Quốc gia bởi số lượng ảnh dự thi còn ít, chất lượng chưa cao, chưa mang hơi thở cuộc sống. Các cơ quan báo chí, cũng như các cấp Hội cần quan tâm đến thể loại này.
Ban tổ chức thẩm định một tác phẩm dự thi của Báo Giao thông
Đồng thời, cũng như mọi năm, thể loại tin báo chí không có tác phẩm nào dự thi và đoạt giải. Trong quá trình chấm giải, Hội đồng sơ khảo nên lưu ý thể loại ảnh và tin.
Nhân đây, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi các thành viên Hội đồng vòng chấm sơ khảo nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, cho điểm một cách công minh, công bằng, khách quan, công tâm vì các tác phẩm báo chí thực sự xứng đáng.
Còn theo ông Trần Thái Sơn, Thường trực hội đồng sơ khảo, giải báo chí Quốc gia được tổ chức hằng năm theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia và Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia.
Ông Trần Thái Sơn thông tin, đây là năm thứ 16 giải được tổ chức, các khâu chuẩn bị đã được tiến hành theo đúng Điều lệ Giải và đúng tiến độ. Ngày 20/1/2022, Thường trực Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia ban hành hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI - Năm 2021. Bộ máy giúp việc Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia được thành lập gồm 3 ban: Ban Thông tin, tuyên truyền và vận động tài trợ, Ban Quản lý quỹ và Ban Thư ký tổng hợp.
Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia họp bàn trước khi vào chấm sơ khảo
Ngày 12/4/2022, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia ban hành Quyết định thành lập Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia, cùng với Quy chế tổ chức và làm việc của Hội đồng sơ khảo.
Năm nay, Giải báo chí Quốc gia nhận được sự tham gia của 35 Chi hội trực thuộc, 18/20 Liên Chi hội. Đây cũng là lần thứ tư liên tiếp có sự góp mặt của đầy đủ 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy sức hút của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp Hội nhà báo trong cả nước.
Theo đánh giá sơ bộ, công tác tổ chức thực hiện ở các cấp Hội hầu hết được triển khai nền nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cấp Hội gửi tác phẩm muộn và chưa đúng hướng dẫn.
Năm nay, Hội đồng nhận được 1.911 tác phẩm, trong đó có 1.744 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định. Số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 169 tác phẩm.
Cũng theo Ban Thư ký tổng hợp, năm nay tiếp tục có 11 nhóm giải dự thi. Cụ thể, Báo in có 3 nhóm giải: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (có 335 tác phẩm); Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận (có 119 tác phẩm); Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (có 219 tác phẩm).
Ảnh báo chí có 1 nhóm giải: Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh (81 tác phẩm).
Phát thanh có 2 nhóm giải: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, tin chuyên đề, phát thanh tổng hợp (72 tác phẩm); Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (129 tác phẩm)
Truyền hình có 3 nhóm giải: Giải Tin, phóng sự, ký sự (314 tác phẩm); Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (43 tác phẩm); Giải Phim tài liệu truyền hình (100 tác phẩm)
Báo điện tử có 2 nhóm giải: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (185 tác phẩm); Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (147 tác phẩm).
Năm nay, các loại hình: phát thanh, truyền hình và báo điện tử tiếp tục được chấm trực tuyến qua phần mềm chấm giải của Hội Nhà báo Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận