Tư vấn

Khai thác các thiết bị thông tin vệ tinh khi tàu thuyền gặp nạn

14/08/2017, 09:11

Inmarsat-C và EPIRB là 2 thiết bị bắt buộc và tối thiểu được trang bị trên tàu.

4

Các thiết bị thông tin vệ tinh trang bị trên tàu theo chuẩn GMDSS bao gồm: Inmarsat-C, Inmarsat mini-C, Imarsat-B, Inmarsat F77, phao định vị vị trí EPIRB

Việc phát báo động cấp cứu cần nhanh chóng, chính xác, kịp thời đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ cứu nạn tàu từ bờ. Với tầm quan trọng, tính bức thiết của vấn đề khai thác sử dụng thiết bị cứu nạn, chúng tôi muốn đem lại cái nhìn tổng quan nhất về kiến thức sử dụng đối với các thiết bị cứu nạn sử dụng thông tin vệ tinh thuộc chuẩn GMDSS (Hệ thống thông tin cứu nạn và an toàn hàng hải toàn cầu) cho người đi tàu.

Tại sao tàu chìm?

Việc một con tàu hiện đại bị chìm, dù được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc tối tân theo quy chuẩn quốc tế mà các cơ quan chức năng lại không thu được bất cứ thông tin cấp cứu nào từ tàu vẫn thỉnh thoảng diễn ra.

Trong hàng hải nói riêng, thông tin cứu nạn được ưu tiên hàng đầu tại các cơ quan chức năng xử lý cứu nạn, từ các thông tin này, công việc cứu nạn tàu sẽ được nhanh chóng và chính xác nhất. Do vậy, việc phát báo động cấp cứu cần nhanh chóng, chính xác, kịp thời và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ cứu nạn tàu từ bờ. Đồng thời, các bản tin cảnh báo hàng hải, cảnh báo sóng thần, thông tin về các cuộc tập trận, về luồng lạch nguy hiểm…, được các đài thông tin phát liên tục là những thông tin thực sự cần thiết giúp tàu có thể phòng tránh tai nạn, đề phòng những tình huống xảy ra trong suốt hải trình của tàu.

Sử dụng thông tin vệ tinh thuộc chuẩn GMDSS cho người đi tàu

Các thiết bị thông tin vệ tinh trang bị trên tàu theo chuẩn GMDSS bao gồm: Inmarsat-C, Inmarsat mini-C, Imarsat-B, Inmarsat F77, phao định vị vị trí EPIRB. Inmarsat-C và Inmarsat mini-C là 2 thiết bị rất quen thuộc thường được lắp đặt ngay trên buồng điều khiển, vị trí lắp đặt này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thao tác vận hành sử dụng. Trên mặt các thiết bị đều có hướng dẫn cách gửi thông tin cứu nạn về bờ trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần nhấn và giữ các phím được chỉ dẫn trong 5 giây, thông tin cấp cứu sẽ được chuyển ngay về bờ. Thông tin cấp cứu có thể soạn trước khi gửi hoặc trong trường hợp khẩn cấp chỉ cần nhấn phím, thông tin cứu nạn cần thiết cũng sẽ được gửi ngay về bờ. Ngoài ra, thiết bị này còn thu các bức điện cảnh báo được phát trực tiếp từ các đài bờ.

Các cảnh báo bao gồm: Cảnh báo sóng thần, cảnh báo nguy hiểm về luồng lạch, cảnh báo về bão lốc, dự báo thời tiết biển ở các vùng biển thuộc Việt Nam, thông tin cấp cứu khẩn cấp… Các đài bờ sẽ phát thông tin về cảnh báo an toàn hàng hải theo chu kỳ thời gian, riêng thông tin trợ giúp tàu bị nạn sẽ được phát ngay khi nhận được thông báo cấp cứu từ tàu bị nạn và chỉ dừng lại khi tàu bị nạn đó đã an toàn.

Thiết bị Inmarsat-B thông tin cứu nạn sử dụng dịch vụ thoại và telex nhưng hiện nay dịch vụ telex đã ngừng sử dụng. Inmarsat F77 cũng sử dụng thông tin cấp cứu bằng thoại. Khi tàu gặp nguy hiểm, người sử dụng chỉ cần nhấn nút báo động cấp cứu trên thiết bị Inmarsat-B và F77 trong 5 giây. Ngay lập tức, một kênh thông tin thoại cấp cứu được thiết lập nối giữa tàu và bờ. Do phương thức thoại nên việc thông tin sẽ được nhanh chóng, chính xác phục vụ công tác cứu nạn tiếp theo.

Ngay khi các đài bờ nhận được thông tin cấp cứu từ tàu, thông tin này sẽ ngay lập tức được chuyển tới các trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia của các đài bờ mà thiết bị đã chọn để sử dụng. Khi xác nhận chính xác thông tin, các phương án cứu nạn sẽ được diễn ra ngay sau đó như:  Điều động các thiết bị cứu nạn ra tàu, phát cảnh báo cứu nạn cho các tàu ở gần vị trí tàu bị nạn… đảm bảo việc cứu nạn là nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đối với vị trí tàu gặp nạn ngoài lãnh thổ Việt Nam, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam sẽ liên hệ trực tiếp với trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia mà tàu bị nạn tại đó trực tiếp cứu nạn.

Riêng đối với thiết bị định vị vị trí bằng vô tuyến, phao EPIRB, thiết bị này thường được lắp đặt trên 2 mạn tàu. Thiết bị có 2 cơ chế hoạt động. Cơ chế hoạt động tự động và nhân công. Đối với chế độ tự động, khi chịu tác động của áp lực nước ở độ sâu khoảng 4m thiết bị sẽ tự động phát tín hiệu lên vệ tinh. Ở chế độ nhân công, người sử dụng có thể tự kích hoạt cho thiết bị hoạt động. Thông tin gửi về từ thiết bị này là mã nhận dạng tàu, vị trí, thời gian phát, người sử dụng có thể mang theo nó trên người sẽ giúp công tác tìm kiếm cứu nạn được chính xác.

Trong các thiết bị nêu trên, Inmarsat-C và EPIRB là 2 thiết bị bắt buộc và tối thiểu được trang bị trên tàu. Do vậy, khi tàu gặp nguy hiểm, phát thông tin cấp cứu từ các thiết bị thông tin liên lạc là những việc làm ưu tiên hàng đầu trong quá trình xử lý tình huống nguy cấp trên tàu. Và bất cứ thành viên nào trên tàu cũng có thể dễ dàng kích hoạt chế độ báo động cấp cứu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.