Khách mời dự tọa đàm gồm: Ông Nguyễn Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam); TS Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường; Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam).
Toạ đàm trực tuyến Tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông tổ chức sáng 23/6
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Câu hỏi đầu tiên xin dành cho ông Nguyễn Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Thưa ông, nguồn tài nguyên cát, sỏi lòng sông của nước ta được phân bố ở những khu vực nào? Tổ chức, cá nhân muốn khai thác cát, sỏi phải đáp ứng những điều kiện gì?
Ông Nguyễn Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam):
Nước ta có 2 hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Cửu Long. Cát tập trung ở 2 hệ thống sông này. Trong những năm vừa qua, nhu cầu về cát vật liệu xây dựng rất lớn, theo quy định, bất kỳ tổ chức cá nhân nào muốn khai thác phải được cơ quan cấp phép.
Thẩm quyền cấp phép là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Công Thủy trao đổi về các vấn đề liên quan đến quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Quản lý cát, sỏi lòng sông luôn là vấn đề nóng. Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chỉ thị về tăng cường quản lý cát, sỏi. Đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định riêng về quản lý cát, sỏi lòng sông. Nghị định này đang được triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam):
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23 quy định về quản lý khai thác cát sỏi và bảo vệ lòng sông, Nghị định có hiệu lực từ 10/4/2020..
Nghị định 23 ra đời cùng với Luật Khoáng sản, văn bản dưới luật, chế tài xử phạt... đã hạn chế rất nhiều số lượng vụ khai thác trái phép. Cơ chế quản lý khai thác cát sỏi lòng sông ngày càng chặt chẽ.
Nghị định đã ban hành 5 chính sách lớn quy định trách nhiệm bộ ban ngành, đặc biệt là địa phương trong cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, vì nhu cầu cát sỏi lòng sông rất lớn nên hiện nay vẫn diễn ra tình trạng khai thác trái phép, chính vì thế gây ra hệ luỵ về môi trường, thất thu ngân sách... Báo chí vừa qua phản ánh rất nhiều.
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Về phía Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, liên quan tới việc khai thác cát sỏi lòng sông, Cục có nhiệm vụ như thế nào trong việc thực hiện công tác quản lý nạo vét luồng đường thủy, đảm bảo an toàn giao thông thủy?
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam):
Căn cứ Nghị định 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, đối với hoạt động nạo vét thu sản phẩm, Cục ĐTNĐ VN sẽ đề xuất Bộ GTVT phê duyệt các dự án và cho biết các thông số, các luồng. Các chi cục ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ VN phê duyệt các phương án đảm bảo ATGT đường thủy và tổ chức kiếm tra, giám sát các nhà thầu thực hiện các phương án đảm bảo ATGT đường thủy.
Ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ tại tọa đàm
Đối với hoạt động nạo vét luồng ĐTNĐ, Cục ĐTNĐ VN thực hiện vai trò là chủ đầu tư và thực hiện một số nhiệm vụ quyết định đầu tư, phê duyệt phương án thi công, dự toán công trình; Các cơ quan quản lý công trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, trình Cục ĐTNĐ VN phê duyệt, tổ chức kiểm tra, giám sát công trình, tổ chức phê duyệt và kiểm tra thực hiện các phương án đảm bảo ATGT.
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Các quy định về quản lý, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông hiện khá đầy đủ và chặt chẽ. Tuy vậy, thực tế cho thấy tình trạng khai thác không phép, sai phép vẫn diễn ra nhức nhối, gây thất thoát tài nguyên và sạt lở bờ sông. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?
TS Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường:
Theo thống kê, toàn thế giới hàng năm tiêu thụ khoảng 50 tỷ tấn cát, con số này sẽ tiếp tục gia tăng, điều này gây áp lực rất lớn đến tài nguyên của chúng ta.
Chúng ta đều biết, khai thác cát sỏi lòng sông dẫn đến 4 tác động cơ bản đối với môi trường xã hội. Đầu tiên là về tác động vật lý, tức là sẽ làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở.
TS Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường
Tác động thứ 2 là tác động sinh học, việc khai thác sẽ làm thay đổi môi trường dòng chảy, làm thay đổi dòng thủy sinh từ đáy dưới sông cho đến hệ thực vật ven bờ.
Thứ 3 là tác động hóa học, như ô nhiễm môi trường nước, kể cả nước ngầm, bởi khi khai thác vượt quá mức cho phép có thể phá vỡ ranh giới giữa nước mặn và nước ngầm, làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.
Tiếp theo là tác động đến hạ tầng cơ sở, đường sá, đê điều, cầu cống, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của dân cư…
Những tác động này khó đảo ngược kể cả khai thác trái phép và khai thác có phép. Do đó, vấn đề đặt ra là phải quản lý như thế nào từ quản lý vĩ mô đến cấp phép.
Đối với hoạt động khai thác trái phép, tôi nghĩ rằng, chúng ra có một hệ thống pháp luật đầy đủ. Vậy, tại sao lại xảy ra hiện tượng khai thác trái phép?
Theo tôi, phải xem lại trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương, nơi có các mỏ cát sỏi.
Tôi nghĩ rằng, cái này liên quan đến đạo đức thực thi công vụ, trách nhiệm giám sát quản lý cát bởi việc chở cát phải dùng sà lan. Mà sà lan không phải vô hình! Hoàn toàn có thể phát hiện và xử lý.
Hiện chúng ta đã có Nghị định 23, đây là nghị định khá toàn diện, phủ hết toàn bộ các hoạt động từ khai thác đến phân vùng và nội dung, quy định trách nhiệm của các bên có liên quan, nối tiếp Luật Khoáng sản…
Tuy nhiên, Nghị định ban hành trước Luật Bảo vệ môi trường và các thông tư hướng dẫn, nên cần có những cập nhật bổ sung.
Ví dụ, các tiêu chí để được khai thác khoáng sản phải đồng bộ hoàn toàn các tiêu chí môi trường trong việc khai thác khoáng sản theo từng phân vùng môi trường, lãnh thổ quốc gia.
Ông Nguyễn Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam):
Nguyên nhân vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép theo tôi là lực lượng địa phương chưa thể thường trực được 24/24 nên các đối tượng lách thời gian nghỉ ngơi để khai thác trộm...
Ông Nguyễn Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam)
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan đã rất quyết liệt vào cuộc, điển hình là cuộc họp toàn quốc mà Phó thủ tướng Trương Hoà Bình tại nhiệm kỳ trước đã chỉ đạo công an, quân đội vào cuộc. Dù chưa triệt để nhưng tình trạng khai thác trái phép đã giảm hẳn.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục xây dựng hồ sơ trình Quốc hội đưa vào Luật 2023, quy định cụ thể, chi tiết, hoàn thiện hơn nữa những quy định khai thác khoáng sản và khai thác cát sỏi lòng sông.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam):
Tôi cũng đồng quan điểm với các khách mời về nguyên nhân thực trạng này. Đặc biệt là do nhu cầu rất lớn, với tốc độ xây dựng công trình như hiện nay thì nhu cầu sẽ ngày càng cao. Hơn nữa, giá thành vận chuyển đường thủy rẻ hơn rất nhiều so với các phương tiện khác, lợi nhuận cao. Do đó hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn.
Đối với công tác quản lý đầu cuối, bến bãi, trách nhiệm của địa phương rất lớn. Hiện bến bãi hoạt động trái phép trên đường thủy nội địa chiếm trên 40% trên các tuyến và khoảng 90% các bến bãi chứa vật liệu xây dựng. Trách nhiệm quản lý các bến bãi này thuộc về địa phương vì địa phương có cho thuê đất, cấp đất, thì các tổ chức, cá nhân mới có nơi để tổ chức bến bãi.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam)
Đồng thời, về quy hoạch phát triển bến cảng thủy nội địa, địa phương thực hiện chưa “đến nơi”.
Phải quy hoạch cụ thể chỗ nào là bến cảng vật liệu xây dựng để cấp phép, đưa vào quản lý; Rồi quản lý các phương tiện ra vào, được cấp phép. Giờ bến bãi cứ mở tràn lan, không có phép thì không quản lý được. Địa phương phải tổ chức giải tỏa, đình chỉ các bến bãi không phép này.
Nguyên nhân nữa theo tôi rất quan trọng là công tác phối hợp giữa các cơ quan ban ngành như cơ quan quản lý môi trường, thanh tra đường thủy, công an, thuế, quản lý thị trường, chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Ví dụ bên tài nguyên môi trường không thông tin là có cấp phép chưa thì bên quản lý đường thủy cũng không nắm được để kiểm soát, xử lý...
Sau khi Nghị định 23 có hiệu lực, là những người trực tiếp tại hiện trường, chúng tôi đánh giá là tình hình trật tự khai thác khoáng sản có chuyển biến tốt; Các hoạt động khai thác giảm đi rõ rệt. Các cơ quan chức năng đã xử lý rất kiên quyết các hoạt động trái phép.
Tuy nhiên các đối tượng lại hoạt động tinh vi hơn trước như hoạt động ban đêm, tại vùng giáp ranh; Hoặc không neo đậu mà vừa đi vừa hút, dừng phương tiện ở bờ bên này dùng vòi dòng sang bờ bên kia hút cát... Thậm chí còn bố trí người để “canh” các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát để báo cho chủ khai thác ứng phó. Do đó hoạt động tuần tra, kiểm soát rất khó khăn.
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Thưa ông Phạm Minh Tuấn, theo quy định tại Nghị định 23/2020, các cảng, bến thủy có chứa cát, sỏi lòng sông phải lắp đặt các biển thông tin, camera, cân tải trọng để giám sát vận chuyển cát, sỏi. Đến nay, việc triển khai thực hiện có gặp khó khăn vướng mắc gì không?
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam):
Căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 10, Nghị định 23, đối với hoạt động bến tập kết vật liệu xây dựng phải công bố thông tin công khai các bến bãi được tập kết vật liệu xây dựng bao gồm: Địa chỉ cung cấp cát, sỏi; Lắp đặt trạm cân, camera giám sát mua bán cát, sỏi; Phạm vi, diện tích bến bãi...
Tuy nhiên qua thời gian thực hiện có rất nhiều khó khăn. Do các bến hầu hết hoạt động trái phép nên quy mô nhỏ; Hoạt động thiếu ổn định, theo mùa vụ. Vì vậy, chủ bến sẽ không bỏ ra kinh phí lớn để đầu tư trạm cân, chỉ lắp camera theo dõi. Những cảng bến quy mô lớn, các chủ bến mới có khả năng lắp trạm cân.
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Chúng ta cần thêm giải pháp nào để ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông không phép, trái phép?
Ông Nguyễn Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam):
Hệ thống pháp luật quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông hiện nay đã tương đối đầy đủ. Cụ thể như: Nghị định 23, Chỉ thị 38, Nghị định 36... tăng mức xử phạt vi phạm, cụ thể hơn trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị.
Tới đây việc sửa đổi thay thế Luật Khoáng sản 2010 sẽ luật hoá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý khai thác khoáng sản.
Ông Nguyễn Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam)
Trước mắt, để tăng cường quản lý, giảm khai thác khoáng sản trái phép cần có đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường trách nhiệm chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở như xã, phường. Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong quản lý khai thác khu vực giáp ranh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử phạt nghiêm minh. Quan trọng nữa là tăng cường hoạt động truyền thông. Hiện nay chúng ta đã làm tốt rồi nhưng sắp tới đề nghị các ngành, địa phương truyền thông tốt hơn nữa. Không hy vọng triệt để nhưng giảm tối đa khai thác trái phép cát sỏi lòng sông.
TS Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường:
Hiệu quả từ Nghị định 23 là việc khai thác trái phép đã giảm đi đáng kể. Đó là nhờ sự vào cuộc của các cấp, từ Chính phủ đến chính quyền địa phương. Tôi nghĩ, theo đà này, những hành vi khai thác sẽ dần dần được loại bỏ.
Theo nguyên lý, chúng ta thấy hiện tượng thì chắc chắn có nguyên nhân.
TS Mai Thế Toản chia sẻ tại tọa đàm
Hiện, hệ thống pháp luật của chúng ta đã đầy đủ, chế tài xử phạt cũng đã có, cả hành chính và hình sự.
Tôi cho rằng, giải pháp ở đây là chúng ta cần bàn đến mối quan hệ giữa việc hiện tượng và nguyên nhân “vì sao vẫn để lọt khi lược lượng quản lý đầy đủ và hùng hậu”.
Tôi đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan thi hành công vụ. Chúng ta không ám chỉ đơn vị hay việc khai thác trái phép diễn ra ở đâu mà tôi muốn nói đến việc quy trách nhiệm.
Nếu để xảy ra thì cơ quan thi hành phải bị xử lý như thế nào, kể cả luật về công chức, viên chức, hay xử lý về đảng…
Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc và ráo riết về việc này thì bức tranh về khai thác cát sỏi lòng sông sẽ đi theo đúng hướng chỉ đạo của nhà nước.
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Thưa ông Mai Thế Toản, nhu cầu cát sỏi rất lớn, từ xây dựng cho đến công nghiệp, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý, thực thi của chính quyền địa phương v.v…Vậy, việc cân đối cung cầu như thế nào? Có đáp ứng được đầu tư hạ tầng hay không? Liệu đến một lúc nào đó, nguồn tài nguyên này cạn kiệt chúng ta cần giải pháp gì để quản lý chặt chẽ hơn?
TS Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường:
Dưới góc nhìn phát triển bền vững, cần bàn đến câu chuyện “chúng ta nên khai thác như thế nào”.
Bắt đầu từ câu chuyện về quy hoạch. Tới đây trong luật khoáng sản chúng ta sẽ có những bổ sung để đồng bộ hóa các tiêu chí về môi trường.
Với những văn bản pháp lý hiện nay, tôi thấy Nghị định 23 đã đề cập đến quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh và có tính toán sự cân bằng giữa năng lực bồi lắng và năng lực khai thác.
TS Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường
Theo tôi, từng dự án phải xem xét kỹ tác động đến môi trường như thế nào, an sinh xã hội, đóng góp cho ngân sách nhà nước được bao nhiêu…, để đánh giá giữa việc đánh đổi chi phí thu được từ cấp quyền khai thác, thuế phí với tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
Luật khoáng sản sửa đổi phải xem xét kỹ yếu tố này.
Hiện Châu Âu bắt đầu nghiên cứu vật liệu thay thế cát, kể cả đá nghiền. Trong dài hạn, Việt Nam cũng phải bắt theo xu thế thời đại khi tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn.
Cát sỏi lòng sông khác với các loại khác, ở chỗ được bổ cập từ thượng nguồn đưa về, không phải khai thác tài nguyên. Do đó, chúng ta cần có sự cân đối giữa phần khai thác và bổ cập.
Tôi nghĩ, trong dài hạn chúng ta cần có nghiên cứu từ khâu thiết kế xây dựng, cho đến giải pháp thay thế.
Sắp tới, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hỗ trợ trường đại học xây dựng và TP. Hà Nội xây dựng trung tâm tái chế vật liệu phế thải.
Tôi nghĩ, chúng ra phải tính toán phương hướng thay thế, hay là tăng cường khai thác các giá trị các chất thải bằng nhiều giải pháp theo hướng giảm dần khai thác cát sỏi lòng sông.
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Rõ ràng cần sự đồng bộ và chặt chẽ trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Các vị khách mời có đánh giá như thế nào về việc phối hợp này?
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam):
Cần phải nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương. Điều 23 đến Điều 31 Chương IV Nghị định 23 đã quy định rất rõ, rất đầy đủ trách nhiệm từng cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đến cấp xã, vì vậy các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cần thực hiện đúng trách nhiệm đã được quy định.
Luật, Nghị định đã quy định rõ, vấn đề là thực thi. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là trong thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.
Ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ tại tọa đàm
Trong đó, đặc biệt cần lưu ý vấn đề thực hiện quy chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh, nhằm ngăn chặn hiện tượng các phương tiện, đối tượng vi phạm ở địa bàn này, khi bị phát hiện thì di chuyển sang địa bàn khác mà không có sự xử lý kịp thời.
Cùng đó cần có quy chế phối hợp và thực hiện tốt quy chế này giữa các lực lượng chức năng như cơ quan quản lý tài nguyên môi trường, giao thông, công an, thuế, quản lý thị trường và chính quyền địa phương, cần thông tin cho nhau kịp thời. Như địa phương thông tin về khai thác khoáng sản trái phép; Cơ quan chức năng thông tin về quản lý, cấp phép khai thác, cao độ khai thác, phạm vi, phương tiện được phép vào khai thác, phương tiện đảm bảo ATGT đường thủy... Nói chung, tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm phải họp giao ban, tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá trên địa bàn tình hình quản lý, hoạt động khai thác cát, sỏi thế nào, từ đó tham mưu, đề xuất cấp Bộ, cấp tỉnh về công tác này.
Nhà báo Trương Xuân Thu:
Thưa ông Nguyễn Công Thuỷ, các dự án trọng điểm Quốc gia, đơn cử như cao tốc Bắc - Nam rất cần vật liệu san lấp nhưng không thể tiếp cận được các mỏ bởi các mỏ vật liệu này do địa phương cấp phép. Các chủ mỏ có hiện tượng "găm" hàng đẩy giá vật liệu rất cao. Theo ông cần giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?
Ông Nguyễn Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam):
Vừa rồi chúng ta có triển khai thác một số dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam... nhu cầu đất san lấp, cát xây dựng là rất lớn. Cũng đã có hiện tượng "găm" hàng, chủ mỏ không bán, tạo ra khan hiếm giả tạo.
Chúng ta đã có biện pháp kịp thời, Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết 60 và tháo gỡ cung ứng nguyên vật liệu cho dự án đường cao tốc. Các ngành đã vào cuộc, kể các địa phương yêu cầu các chủ khai thác phải khai thác đúng công suất, không tạo ra khan hiếm giả.
Từ thực tiễn khẳng định, Luật Khoáng sản sẽ tiếp thu và sửa đổi nội dung về vấn đề này để cung ứng vật liệu cho các dự án trọng điểm.
Về giải pháp ngăn chặn "găm" hàng, chỉ có 1 cách là quản lý theo quy định của pháp luật, yêu cầu tổ chức cá nhân thực hiện đúng quy định của giấy phép. Trong giấy phép nêu rất rõ từng trách nhiệm, nghĩa vụ. Tôi nghĩ rằng chính sách pháp luật đã đầy đủ, chỉ đòi hỏi việc phải tuân thủ. Cùng với đó là tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận