Xã hội

Khai thác khoáng sản: Tù mù cơ chế, ngân sách thất thu nghìn tỷ

14/09/2016, 13:19

Theo các chuyên gia, khai thác tài nguyên là lĩnh vực có mức độ thất thu ngân sách cao nhất hiện nay.

3

Khai thác tài nguyên hiện là lĩnh vực có mức độ thất thu ngân sách cao nhất

Theo các chuyên gia, khai thác tài nguyên là lĩnh vực có mức độ thất thu ngân sách cao nhất hiện nay. Nhận định trên được đưa ra tại buổi tọa đàm về việc Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI), ngày 13/9.

Thất thu khai khoáng chiếm 5-25% GDP

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), dù không ngừng mở rộng quy mô song công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam tồn tại hàng loạt vấn đề như: Cấp phép tràn lan; Đầu tư Nhà nước thiếu hiệu quả; Thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác; Khai thác trái phép; Xuất khẩu lậu; Hệ lụy về môi trường và xã hội... “Ngành Khai khoáng đang nằm trong Top 3 ngành có nguy cơ tham nhũng cao nhất tại Việt Nam”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Tương tự, bà Trần Thanh Thúy, nghiên cứu viên Pan Nature nhận định: Công nghiệp khai thác đang chứa nhiều rủi ro từ việc cấp phép, tới quản trị DN Nhà nước, thu thuế và phí, quản lý và phân bổ nguồn thu. “Qua kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp, kết quả cho thấy, trên 50% giấy phép vi phạm quy định pháp luật. Rõ ràng đây là lỗi của cơ quan quản lý, thậm chí DN có thể kiện cơ quan cấp phép nếu bị tịch thu giấy phép, ngừng hoạt động”, bà Thúy dẫn chứng.

Mặt khác, do tính chất phức tạp về chính trị, tài chính và kỹ thuật, khai thác tài nguyên hiện là lĩnh vực có mức độ thất thu ngân sách cao nhất. Theo đánh giá đối với 5 quốc gia phụ thuộc tài nguyên, thất thu ngân sách chiếm khoảng 5-25% GDP. “Nếu áp đánh giá này vào Việt Nam, tại thời điểm năm 2014, GDP thu từ ngành khai khoáng là hơn 426,1 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính ở mức thất thu khiêm tốn nhất (5%GDP) thì Việt Nam cũng đã bị thất thu khoảng 21 nghìn tỷ đồng”, bà Thủy phân tích.

Muôn chiêu trốn tránh thuế phí của DN khai khoáng

Để minh chứng cho tình trạng thất thu ngân sách trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, PGS.TS. Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho biết, trong khoảng 5 năm qua (2010-2015), tỷ trọng số thu từ thuê tài nguyên (trừ dầu mỏ) có xu hướng tăng lên song vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách, cụ thể trên dưới 1%. Đáng nói, thời kỳ đổi mới, nhiều khi ngành Khoáng sản đóng góp tới 90% kim ngạch xuất khẩu thì hiện tại con số này chỉ khoảng 9-10% (trừ dầu khí), không đáng kể so với kim ngạch xuất khẩu của các ngành dệt may, thủy sản... “Con số này không hề tương xứng với thực trạng phát triển khai thác khoáng sản hiện nay”, TS. Lê Xuân Trường nhấn mạnh.

Lý giải cho tình trạng trên, ông Trường dẫn ra hàng loạt chiêu thức trốn tránh thuế của DN khai khoáng. Cụ thể, một số DN không kê khai trung thực số lượng thực tế khai thác; khai thác lậu, xuất lậu tài nguyên; tài nguyên khai thác được tiêu thụ trong nước nhưng lại làm giả các thủ tục để thực hiện xuất khẩu khống nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng; khai thác giá bán thấp hơn giá thực tế nhằm trốn thuế; kê khai thuế không đúng nơi khai thác thực tế để được áp dụng giá tính thuế thấp hoặc thuế suất thấp hơn nhằm trốn thuế tài nguyên và thuế thu nhập DN.

Điển hình là trường hợp mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (Quảng Nam). Tại mỏ Phước Sơn, theo số liệu thăm dò trữ lượng địa chất lên tới 20 tấn song Bộ TN&MT lại chỉ cấp phép khai thác 7 tấn? Trong suốt một thời gian dài, một lượng vàng không nhỏ của mỏ vàng Phước Sơn đã được DN “phù phép” chuyển sang Bồng Miêu để hướng thuế suất thấp và nhiều ưu đãi phân phối.

DN khai khoáng chi phí “lót tay” cao ngất

Được biết, Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2007, tuy nhiên sau gần 10 năm xem xét, tới nay vẫn chưa cam kết tham gia. Vậy đâu là rào cản thực sự? Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty New Technology Solutions cho rằng, rào cản lớn nhất chính là cơ quan quản lý với tư duy “sợ” minh bạch thông tin. “Cơ quan quản lý nhiều khi muốn tạo ra môi trường “lờ mờ” dễ quản lý, để còn xin - cho chứ minh bạch quá thì biết “quản” cái gì?”, ông Sơn nói.

EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị đối với tài nguyên dầu khí và khoáng sản. Các quốc gia thực hiện EITI sẽ công bố thông tin liên quan đến các khoản chi trả cho thuế, giấy phép, hợp đồng khai thác, quá trình khai thác, sản xuất và hoạt động khác của ngành công nghiệp khai thác. Hiện đã có 53 quốc gia, hơn 80 công ty dầu khí và khoáng sản hàng đầu thế giới, 90 tổ chức tài chính và 400 tổ chức dân sự trên thế giới ủng hộ và tham gia EITI.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nhận định: Khi minh bạch thông tin sẽ hạn chế tham nhũng song lợi ích nhóm sẽ bị thiệt hại. “Theo nghiên cứu mới đây cho thấy, số chi phí không chính thức của DN khoáng sản tại Việt Nam phải bỏ ra chiếm tới 72-73% tổng chi phí hoạt động (trung bình các lĩnh vực khác 62%). Rõ ràng một cơ chế tù mù sẽ gây khó khăn cho những DN làm ăn chân chính song lại tạo cơ hội đất sống cho những DN kém năng lực, làm ăn chộp giật”, ông Tuấn phân tích.

Theo các chuyên gia, khi tham gia EITI, Việt Nam chắc chắn sẽ giảm hành vi trốn và tránh thuế trong lĩnh vực khai khoáng; giảm thiểu rủi ro khi xây dựng chính sách; tạo môi trường đầu tư tốt hơn, hỗ trợ quản trị cho DN... Đặc biệt, vấn đề gia tăng ngân sách từ nguồn thu phí, thuế đối với ngành công nghiệp khai khoáng cũng sẽ được cải thiện. Kinh nghiệm từ Nigeria, việc gia nhập EITI đã giúp tăng ngân sách cho nước này khoảng 1 tỷ USD/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.