"Tuyệt tình cốc" hình thành bởi quá trình khai thác đá âm |
Núi biến thành hồ
Thời gian gần đây, “tuyệt tình cốc” nổi danh trên mạng vì phong cảnh như trong phim cổ trang. Hàng nghìn người từ khắp nơi đã đổ dồn về đây chụp ảnh, bơi thuyền. “Tuyệt tình cốc” đẹp nhưng rất nguy hiểm, bởi nó rộng hàng chục ha, sâu tới vài chục mét, xung quanh là những vách đá chênh vênh. Vậy ai đã tạo nên “tuyệt tình cốc”? Ông Bùi Doãn Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: “Hồ nước mà mọi người hay gọi là “tuyệt tình cốc” được hình thành do hoạt động khai thác đá. Đây vốn là mỏ đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn, công ty này hợp đồng với 2 đơn vị là HTX An Sơn và Lại Xuân khai thác. Quá trình khai thác đá của các đơn vị đã tạo nên hồ nước này. Hiện nay, hồ nước vẫn nằm trong vành đai an toàn nổ mìn của Công ty Xi măng Phúc Sơn, nơi này rất nguy hiểm, chúng tôi đã ra lệnh cấm mọi hoạt động tại hồ nước này”.
Theo kiến nghị của người dân ở khu vực có mỏ khai thác đá ở Thủy Nguyên, các cơ quan chức năng T.Ư và thành phố cần siết chặt lại hoạt động cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản (đặc biệt, thận trọng khi cấp phép khai thác đá âm). Người dân cho rằng, nếu cứ cấp phép tràn lan như thời gian qua thì chẳng bao lâu nữa vùng miền núi bán sơn địa ở huyện Thủy Nguyên sẽ thành… bình địa cùng những hồ nước được tạo ra bằng cách chẳng người dân nào mong muốn. |
Trong khi đó, mới chỉ 5 năm trước, ở dãy núi Trại Sơn thuộc các xã An Sơn, Lại Xuân của huyện Thủy Nguyên, tình trạng khai thác đá đã diễn ra sôi động nhưng ít ai nghĩ rằng, nó lại diễn ra với mức độ nhanh chóng đến như vậy. Những nơi ngày xưa là ngọn núi sừng sững thì giờ đã biến thành những vực sâu hoắm, rộng hàng vài ha. Ở dưới những vực ấy sau những tiếng nổ mìn là hàng đoàn xe tải các loại chở đá ì ạch bò lên. Những khu vực khác, khi đã khai thác đá đến độ quá sâu, người ta bỏ đấy, qua thời gian, nước mưa đọng lại tạo thành những hồ nước sâu hàng chục mét, rộng mênh mông. Con người với công cụ là mìn và các phương tiện khai thác đã làm nên những việc ngoài sức tưởng tượng, biến núi thành hồ.
Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên thì trên địa bàn huyện hiện có 2 đơn vị được cấp trên cấp phép khai thác âm là các Công ty Tân Hoàng An và Tân Phú Xuân, mỗi đơn vị được cấp phép 20ha. Tuy nhiên, suốt trong những năm qua, hoạt động khai thác đá âm đã diễn ra khá rầm rộ. Hậu quả là tới nay đã có gần 10 hồ nước giống như “tuyệt tình cốc” được hình thành.
Khai thác núi đá đã nguy hiểm, khai thác âm còn để lại hậu quả nặng nề gấp nhiều lần. Khi người ta nổ mìn khoét sâu xuống lòng núi sẽ tạo nên những hố, những hồ, làm thay đổi hoàn toàn địa hình, địa vật. Theo quy định của Luật Khoáng sản, tất cả các hoạt động khai thác âm, đơn vị thực hiện phải có trách nhiệm hoàn nguyên (khôi phục lại hiện trạng ban đầu sau khi khai thác). Tuy nhiên, với những mỏ đá rộng tới vài chục ha được khai thác sâu tới vài chục mét thì sau đó lấy đất đá ở đâu đổ vào để khôi phục hiện trạng ban đầu? Hồ “tuyệt tình cốc” cùng gần 10 hồ nước khác ở huyện Thủy Nguyên là minh chứng rõ nhất cho việc “chẳng bao giờ có chuyện hoàn nguyên”.
“Khai thác đá âm để lại nhiều hệ lụy, đồng thời liên quan đến vấn đề hoàn nguyên khu vực khai thác. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng về việc này, quan điểm của huyện là khi cấp phép phải hết sức thận trọng vì nó ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân cũng như môi trường”, ông Nhân nói.
Công nhân khoan núi, nhồi thuốc nổ chuẩn bị kích nổ |
Cần hoàn trả hạ tầng giao thông cho người dân
Có một nghịch lý là người dân và chính quyền địa phương hầu như không biết hoặc có rất ít thông tin về những DN đang khai thác mỏ đá trên quê hương họ. Thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ đá nằm ở các cấp cao hơn họ nhiều. Đơn cử như Công ty Xi măng Phúc Sơn có trụ sở ở tỉnh Hải Dương nhưng họ lại được cấp phép khai thác một mỏ đá khổng lồ ở dãy núi Trại Sơn của huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Chính quyền huyện Thủy Nguyên trong gần 10 năm qua phải giải quyết vô số mâu thuẫn giữa DN này với người dân. Rất nhiều lần người dân tụ tập hàng trăm người kéo lên nhà máy này phản đối, lên huyện kêu cứu. Những lúc như vậy, các lực lượng của huyện phải căng mình giải quyết để rồi sau đó các vụ phản đối lại tiếp diễn.
Một cán bộ huyện Thủy Nguyên (đề nghị được giấu tên) bức xúc: “Những ngọn núi đá nằm trên địa bàn của chúng tôi nhưng chúng tôi không có quyền quản lý. Các cấp có thẩm quyền cấp Trung ương đã cấp phép khai thác mỏ cho các DN. Họ hàng ngày, hàng giờ mang tài nguyên đi, để lại khói bụi cùng sự bức xúc của người dân cho chính quyền địa phương”
Năm 2015-2016, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở huyện Thủy Nguyên đạt gần 10 tỷ đồng, thuế tài nguyên hơn 10,3 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường hơn 2,7 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2017 các khoản thu này lần lượt là 16,5 tỷ đồng; 5,1 tỷ đồng và hơn 7,1 tỷ đồng. Song toàn bộ khoản thu này các xã, thị trấn có mỏ không được hưởng đồng nào.
Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, hiện các mỏ khoáng sản tập trung ở các xã: Liên Khê, Kỳ Sơn, Lại Xuân, An Sơn, Lưu Kiếm, Gia Minh, Gia Đức, Minh Tân và thị trấn Minh Đức. Người dân các địa phương này nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường và giao thông xuống cấp do các hoạt động khai thác khoáng sản, đề nghị huyện Thủy Nguyên hỗ trợ kinh phí đầu tư duy tu, sửa chữa các tuyến đường, khắc phục môi trường. UBND huyện Thủy Nguyên cũng nhiều lần kiến nghị thành phố phân bổ lại nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cho huyện và các xã có mỏ để đầu tư trở lại hạ tầng, cải thiện môi trường, an sinh xã hội nhưng chưa được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận