Văn hóa - Giải Trí

Khai thông thể chế văn hóa trong thời đại mới: Cần sự đồng bộ hóa

27/02/2023, 14:48

Các chuyên gia tham gia thảo luận bàn tròn: Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Sáng 27/2, Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" đã chính thức khai mạc tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.

Sau phiên 1, bàn về: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Phiên 2 của hội thảo là thảo luận bàn tròn: Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

img

Các chuyên gia tại thảo luận bàn tròn về: Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Nhiệm vụ "xây" và "chống" trong bối cảnh hiện nay

Tại thảo luận bàn tròn, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có chia sẻ xoay quanh nhiệm vụ “xây” và “chống” được Tổng Bí thư Trường Chinh nêu trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Theo ông Tạ Quang Đông, trong lịch sử, dưới chính sách cai trị của thực dân phong kiến, nền văn hóa của chúng ta bị tàn phá nặng nề, đang dần mất đi bản sắc dân tộc, xa rời quần chúng và lạc hậu.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời, đã chỉ ra được chiến lược đối với ngành văn hóa. Trong đó, có 3 luận điểm quan trọng nhất và vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay, đó là "dân tộc, hoa học, đại chúng".

"Tính chất "xây" và "chống" rất rõ ràng trong bản đề cương này. Chúng tôi thấy rõ việc xây và chống là quan điểm xuyên suốt của Đảng qua nhiều thời kỳ. Hai nhiệm vụ này có vai trò mật thiết với nhau.

Đó là "xây" và "chống" trong đấu tranh và bảo vệ. Mà ở đó, "xây" bắt đầu những điều cơ bản, "chống" là sự quyết liệt, hiệu quả.

Trên tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ Bộ VH,TT&DL luôn nêu cao tinh thần đó và hiện thực hóa bằng nhiều hành động khác nhau.

"Xây" được mở rộng là đã chuẩn bị phát huy những gì tốt đẹp nhất, hướng tới mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, nền văn hoa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để con người và văn hóa Việt Nam thật sự trở thành nội lực nội sinh và là động lực để phát triển, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới", ông Đông đánh giá.

img

Toàn cảnh thảo luận bàn tròn

Trên tinh thần đó, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL nêu ra 3 vấn đề cần quan tâm:

Một là, nêu cao ý thức, nhận thức của toàn xã hội đối với nền văn hóa mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập thế giới. Cùng với đó là tiếp tục kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc.

Hai là, tạo điều kiện hành lang pháp lý về thể chế với nhiều điều kiện khác nhau, để khơi thông nguồn lực cả về con người và vật chất (bao gồm nguồn từ nhà nước và xã hội hóa), góp phần hỗ trợ cho sự phát triển, sáng tạo văn hóa nghệ thuật.

Ba là, hoàn thiện các môi trường về pháp lý, các vấn đề về hệ thống lý luận, quan điểm quản lý văn hóa trong thời kỳ mới. Tiếp tục gắn bó với các địa phương, phối hợp Bộ, ban, ngành để thực tốt Nghị quyết của Đảng lần thứ XIII cũng như kết luận, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Khai thông thể chế: Cần sự đồng bộ hóa

Bàn về việc khai thông thể chế tại thảo luận, PGS. TS Trần Quốc Toản - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng:

Trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam ngay từ đầu đã đưa ra câu chuyện hết sức quan trọng. Đó là, nền tảng kinh tế xã hội của một xã hội và chế độ kinh tế xã hội dựa trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ sự phát triển của văn hóa.

Như vậy, các nguyên tắc "dân tộc, khoa học, đại chúng" và việc xây dựng một thể chế văn hóa trong giai đoạn mới cũng phải dựa trên nền tảng ấy.

img

Các chuyên gia thảo luận bàn về Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Lấy dẫn chứng trên thế giới, PGS. TS Trần Quốc Toản nói rằng, cả về lý luận và thực tiễn, thể chế văn hóa của họ đều có sự thống nhất khá cao. Trong đó, thể chế đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của một quốc gia, dân tộc ở từng lĩnh vực.

Thể chế phù hợp sẽ tạo ra sự phát triển, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, thậm chí làm biến dạng sự phát triển.

Do đó, nhận thức đúng và xây dựng thể chế hiệu quả là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trong đó có thể chế văn hóa. Hiện nay, nhận thức về bản chất cấu trúc của thể chế phát triển đã có ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, phần lớn đều thống nhất rằng, thể chế phát triển là một cấu trúc đồng bộ bởi 3 thành tố chính gồm: Các chủ thể (gọi là người chơi) - Cơ chế, chính sách để các chủ thể hoạt động (gọi là luật chơi) - Nội dung môi trường để các chủ thể hoạt động (gọi là sân chơi).

Theo PGS. TS Trần Quốc Toản, trước Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng ta chủ yếu mới đề cập đến thể chế phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng Đại hội lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên nêu trong văn kiện là: Xây dựng thể chế chính trị phát triển tổng hợp, đồng bộ, cả về kinh tế, chính chị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái - đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời giao nhiệm vụ chúng ta phải xây dựng các thể chế phát triển trong từng lĩnh vực, trong đó có văn hóa.

"Tuy nhiên, thể chế văn hóa có những đặc điểm chung của thể chế phát triển, nhưng có những điểm riêng thể hiện bản chất, tính chất, hình thức phát triển của văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Trong đó, cốt lõi là sự chi phối của các lĩnh vực văn hóa không giống như giá trị về kinh tế. Mà ở đó còn mang giá trị con người, giá trị chính trị, xã hội, đạo đức.

Mặc dù, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đề cập đến chuyện phải đẩy mạnh phát triển thị trường văn hóa, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, nhưng không phải tất cả các lĩnh vực, các sản phẩm văn hóa đều trở thành hàng hóa, đều bị chi phối đầy đủ các quy luật của cơ chế thị trường.

Có những lĩnh vực văn hóa không thể phó mặc cho sự chi phối của cơ chế thị trường. Cũng có những lĩnh vực cần tận dụng cơ chế thị trường một cách phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy phát triển văn hóa.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là, chúng ta cần nhận thức đúng, đầy đủ, phù hợp về bản chất của sự phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Để từ đó, nhận thức đúng về xây dựng thể chế phát triển văn hóa trên bình diện chung cũng như trong từng lĩnh vực.

Điều quan trọng nhất là thể chế phát triển văn hóa phải gắn liền với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để văn hóa trở thành nhân tố bên trong, nội dung bản chất và sức mạnh nội sinh của mỗi chủ thể, mỗi lĩnh vực phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Như vậy, chúng ta phải nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để xây dựng đồng bộ 3 thành tố chủ yếu của văn hóa trên bình diện chung, cũng như trong từng lĩnh vực văn hóa.

Đặc biệt phải làm rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội của tất cả các chủ thể liên quan, nhất là của nhà nước, chủ thể hoạt động văn hóa và của người dân. Trên cơ sở đó, chúng ta xây dựng được một cơ chế, chính sách phát triển văn hóa phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn mới", PGS. TS Trần Quốc Toản phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.