Xã hội

Khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp

21/11/2022, 14:00

Hiện 91% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc trang bị đủ hạ tầng để triển khai việc dùng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thẻ BHYT giấy.

Không còn lo mất thẻ BHYT

Đến Bệnh viện Saint Paul khám bệnh, bà Nguyễn Thị Thành (trú tại quận Ba Đình) nói lý do đến khám rồi đưa căn cước công dân (CCCD) có gắn chip cho bác sĩ.

Cầm chiếc thẻ CCCD của bà Thành, bác sĩ quét trên máy chuyên dụng và màn hình máy tính hiện ra đầy đủ những thông tin cơ bản nhất của bệnh nhân, và hoàn tất phiếu đăng ký khám bệnh.

Sau khi được thực hiện một số y lệnh của bác sĩ về việc kiểm tra các chỉ số máu, chụp XQ… bà Thành theo hướng dẫn đến bộ phận làm hồ sơ, thủ tục nhập viện.

img

Nhiều người dân khám bệnh BHYT dùng thẻ CCCD thay thẻ BHYT giấy

Cũng chỉ cần tấm thẻ CCCD ban đầu, chỉ sau vài phút, bộ phận đón tiếp của bệnh viện đã hoàn tất thủ tục nhập viện cho bà Thành. Cả quá trình từ khi vào thăm khám cho đến lúc nhận hồ sơ nhập viện, bà Thành không phải xuất trình bất cứ giấy tờ gì ngoài việc sử dụng thẻ CCCD.

Bà Thành cho biết: “Thuận tiện cho người bệnh nhiều lắm. Nếu trước kia, với thẻ BHYT giấy, người già như tôi lo cất giữ thật kỹ, chỉ sợ rơi mất thì rất phiền phức xin cấp lại trong khi mình lại thường xuyên ốm đau, đi viện. Hơn nữa, mỗi khi đến viện, nào thẻ BHYT, nào CCCD, giờ thì đơn giản hơn rất nhiều”.

Theo đại diện Bệnh viện SaintPaul, khoảng 1 năm qua, bệnh viện đã triển khai hệ thống 5 máy quét song song dữ liệu trên thẻ BHYT và CCCD của bệnh nhân đến thăm khám, điều trị.

Thẻ BHYT của người dân bằng giấy, dùng nhiều nên dễ nhàu, nát, mờ, rất khó sử dụng để quét mã. Việc tích hợp thẻ BHYT vào CCCD gắn chíp để phục vụ cho khám, chữa bệnh là một bước đi đúng, trúng, tạo thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí… cho chính bệnh viện và bệnh nhân.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân nên sớm tích hợp dữ liệu thẻ BHYT vào CCCD gắn chíp để phục vụ tốt nhất cho việc thăm, khám chữa bệnh, đỡ phải mang quá nhiều giấy tờ. Bệnh viện hiện nay cũng đã triển khai chữ ký số, hồ sơ bệnh án điện tử… nên việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới”, đại diện Bệnh viện SaintPaul thông tin.

Cùng với Hà Nội, cơ sở y tế nhiều địa phương trên toàn quốc đang triển khai hiệu quả việc sử dụng CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh, thanh toán viện phí phục vụ bệnh nhân…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam, tính đến ngày 17/10, toàn quốc đã có 11.634 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 91% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc).

Xác thực sinh trắc vân tay, tránh trục lợi BHYT

Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội) là cơ sở y tế thí điểm KCB với thủ tục đăng ký theo công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc chuyên môn BVĐK An Việt cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp trong KCB BHYT đem đến nhiều thuận lợi cho người bệnh, nhân viên y tế và cán bộ giám định BHYT tại bệnh viện.

Ứng dụng công nghệ này giúp giảm đáng kể thời gian, thủ tục đăng ký KCB, tạo tiện lợi tối đa cho người bệnh. Việc này còn giúp nhân viên y tế xác thực chính xác bệnh nhân thông qua nhận diện vân tay của người bệnh; người bệnh không thể mượn thẻ của người khác để đi KCB, nhờ đó quỹ BHYT được quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

“Trước đây, khi người dân chỉ sử dụng thẻ BHYT giấy trong KCB, nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn nhất là đối với các trường hợp thẻ bị cũ, mờ thông tin nên mất rất nhiều thời gian cho việc so sánh, đối chiếu với thông tin, hình ảnh trong chứng minh thư nhân dân của người bệnh. Thủ tục KCB trước gồm nhiều bước, song nay nhờ có việc ứng dụng công nghệ này vào KCB BHYT đã giúp đơn giản, tiết kiệm thời gian 3 - 4 lần so với trước”, bà Hoài An chia sẻ.

Hiện công tác thí điểm cho người tham gia BHYT làm thủ tục KCB BHYT bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp đang được triển khai tại 5 cơ sở KCB BHYT của thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Bình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.