Phù sa của dòng sông Sêrêpôk góp phần tăng thêm phì nhiêu, tươi tốt cho Đồng bằng sông Cửu Long |
Biết tôi mới được cử về làm việc tại Đắk Lắk, chưa hiểu nhiều về mảnh đất, con người nơi đây, một lần ngồi cà phê góc phố ở Buôn Ma Thuột, Phạm Cường- đồng nghiệp đang công tác tại đây kể cho tôi nghe về huyền thoại một dòng sông chảy ngược với bao điều thú vị. “Nơi này là cao nguyên nên cũng là khu vực thượng nguồn của các con sông ở nước mình. Nhưng Sêrêpôk thì lại khác. Sông không theo quy luật từ hướng Tây Bắc - Đông Nam như hệ thống sông ở Việt Nam, mà dòng nước chảy ngược sang hướng Tây”.
Bạn tôi kể, dòng sông Sêrêpôk được hợp lại từ hai dòng Krông Knô và Krông Ana. Điều lạ nữa là hai dòng chảy song song, nhưng một dòng thì quanh năm đỏ ngầu, còn dòng kia lúc nào cũng xanh trong vời vợi. Người dân M’Nông sống ở đây chỉ quen gọi sông Đực (Krông Knô) và sông Cái (Krông Ana), có nơi gọi là dòng cha và dòng mẹ. Cả hai nhánh sông bồi đắp cho cánh đồng Buôn Trấp trù phú. Đây cũng là vựa lúa chính của Đắk Lắk.
Cường chở tôi đến cây cầu Buôn Trấp, thuộc huyện Krông Ana. Một cây cầu được quy hoạch xây dựng vào năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đưa tay chỉ về phía dòng sông và cánh đồng rộng lớn hơn 1.000 mẫu, nơi mà thoạt nhìn người ta sẽ nghĩ ngay tới vùng đồng bằng thẳng cánh cò bay chứ không thể tưởng tượng được là nơi cao nguyên đất đỏ.
Cường nói, băng qua cánh đồng này là có thể đến được với huyện Krông Nô của tỉnh Đắk Nông. Đi dọc bờ sông Krông Ana đoạn xã Hòa Lễ, chúng tôi không khỏi sợ hãi khi bắt gặp cảnh nhiều người dân mạo hiểm đu dây cáp vượt dòng sông nước đỏ ngầu cuồn cuộn. Chiếc cáp treo được thiết kế khá đơn giản, chỉ gồm một sợi dây cáp treo qua những chiếc cọc tự chế (bằng gỗ hoặc sắt - NV) đóng cố định ở hai bờ sông. Hỏi người dân nơi đây mới biết, có em học sinh để được đến trường phải hơn 10 năm đu dây, để đu theo con chữ.
“Biết bao giờ mới hết những cảnh như thế này. Trẻ em ở những miền quê nghèo, đặc biệt đối với những đồng bào dân tộc thì con chữ như để xóa mù chứ không phải để mở mang tri thức” - bạn tôi thở dài.
Hai người chúng tôi nghỉ lại ăn trưa ở bến sông Krông Ana. Thấy chúng tôi hỏi thăm về dòng sông, một cụ già bán tạp hóa cho biết, trước kia sông này gọi là sông Cái, hay còn gọi là sông Mẹ, dòng nước xanh và trong lắm. Nhưng càng ngày rừng bị chặt cạn kiệt, bởi người dân chặt phá để trồng cao su, cà phê… nên dòng sông ngày càng đục và hung dữ.
Miên man theo dòng nước để đọc lại những trang huyền thoại Tây Nguyên, chuyện kể rằng xưa kia Krông Knô và Krông Ana chỉ là một dòng sông Sêrêpôk. Ngày ấy, có một chàng trai của buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Tuy nhiên, vì hiềm khích và thù hằn của hai dòng họ từ hàng trăm năm trước nên họ không được yêu nhau. Cả hai dòng họ đều tìm mọi cách ngăn cản và chia cắt tình yêu đôi trai gái. Nhưng vì quá yêu nhau nên cả hai tìm cách phản kháng. Trong một đêm trăng thanh gió mát bên dòng Sêrêpôk, đôi uyên ương đã cùng nhau ôm nhau khóc thảm thiết rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Tình yêu của họ hóa thành dòng nước cuồn cuộn với nước mắt mặn mòi của tình yêu đôi lứa hóa thành huyền thoại. Sau khi họ chết, mây đen bỗng nhiên từ đâu kéo đến nhiều vô kể, trời đất đen ngòm, dòng sông cuồn cuộn nước. Đến sáng hôm sau, khi mọi người thức dậy, dòng sông đã rẽ thành hai dòng từ lúc nào. Và như truyền thuyết, dòng sông cũng hai màu nước, bên ngầu lên màu đỏ bên trong vắt hiền hòa. Để rồi khi gặp nhau hợp thành dòng cuồn cuộn với hàng loạt thác ghềnh liên tiếp như: Gia Long, Dray Sap, Dray Nur, Trinh Nữ... với dòng nước chảy xiết khá hiểm trở.
Kết thúc chuyến hành trình khi không thể đi hết được dòng Sêrêpôk sang tới nước bạn Campuchia. Nơi mà dòng sông chảy ngược ở mảnh đất Tây Nguyên hòa vào Biển Hồ rộng lớn, đổ vào dòng Mê Kông, xuôi về biển đến Việt Nam thì hóa thành dòng Cửu Long rồi đổ ra biển Đông.
Cho dù dòng nước có ngược đi đâu chăng nữa, nhưng từ ngọn nguồn của đất nước, dòng chảy của phù sa, của trầm tích văn hóa mang trong mình những huyền thoại. Để rồi lại lặng lẽ tuôn về biển lớn, như ngàn người con nước Việt ở khắp thế giới, không kể sang hèn, trong tâm họ luôn hướng về biển Đông, nơi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đang bị xâm phạm.
Và cho dù xuôi hay ngược, cho dù có trăm sông nghìn hướng cũng hướng về với biển Đông.
Vĩnh Yên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận