Cua đá có thịt béo ngậy và đầy gạch, càng cua rất to là đặc sản ẩm thực Cù lao Chàm |
Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) vốn là điểm đến thu hút du khách bởi sự hoang sơ, đắm mình giữa biển trời, thiên nhiên. Nay xã đảo vừa hòa lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiện nghi của khách tham quan với nhiều trải nghiệm mới, tiện ích.
Du lịch "3 trong 1"
Nếu bạn đang muốn khám phá một địa điểm “3 trong 1”: Du lịch tâm linh - văn hóa, du lịch sinh thái và thưởng thức ẩm thực độc đáo thì Cù Lao Chàm là một địa điểm không thể bỏ qua. Chỉ sau khoảng 20 phút vượt biển, Cù Lao Chàm đã hiện ra trước mắt bạn với hệ thống đảo lớn nhỏ trên sóng nước.
Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009 với vẻ đẹp hoang sơ, hệ động thực vật trên cạn và dưới nước phong phú. Đảo có 7 bãi biển trải dọc theo sườn núi, phân nửa trong số có bãi cát dài và làn nước trong vắt. Canô sẽ đưa du khách đặt chân lên bãi Làng, nơi có Bảo tàng Biển Cù Lao Chàm lưu trữ nhiều hiện vật mô phỏng đời sống người dân nơi đây qua nhiều thế kỷ, chủ yếu liên quan đến ngư nghiệp. Phòng lớn nhất của bảo tàng bày trí các mô hình động vật biển quý hiếm, nhiều trong số đó chỉ riêng có ở biển Cù Lao Chàm.
Một nơi bạn nên ghé qua khi tới đây là Giếng cổ Chăm. Giếng có niên đại khoảng 200 năm với cấu trúc mang đặc trưng văn hóa Chămpa như: Thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, lòng giếng xây gạch theo kiểu vành khăn… Người bản địa tự hào: Giếng cổ Chăm chưa bao giờ cạn nước dù thời điểm khô hạn nhất. Tương truyền, vợ chồng mới cưới sẽ dắt nhau ra giếng cổ để múc nước uống với thỉnh cầu sinh được con trai. Nguồn nước của giếng vô cùng mát lành, du khách có thể rửa mặt hoặc uống một ngụm nhỏ lấy may.
Trải dài trên những hành trình tâm linh ở Cù Lao Chàm là chùa Hải Tạng. Ngôi chùa thờ Tam giáo: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, lúc nào cũng nghi ngút khói hương thành kính. Chùa được xây dựng lần đầu vào thế kỷ XVIII, trùng tu lại vào giữa thế kỷ XIX với lối kiến trúc đặc trưng của đình chùa làng biển.
Giàu thêm nhờ điện
Mỗi ngày, Cù Lao Chàm đón từ 2.500 - 3.000 khách du lịch |
Chúng tôi chọn hình thức nghỉ homestay. Theo chị Vân, chủ nhà, gia đình chị đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng căn nhà này và từ tháng 9/2016, khi đảo có điện, gia đình lại vào Hội An mua sắm thêm nhiều thiết bị điện.“Trước đây, mỗi ngày chỉ có điện từ từ 10 - 13h và 17 - 22h30 nên khá bất tiện. Giờ điện sáng cả ngày lẫn đêm. Người dân không còn lo “trữ điện”. Các tiện ích về nghỉ dưỡng, vui chơi cũng nhiều hơn, đem đến sự trải nghiệm mới cho người dân, du khách. Du khách đến đông, mùa cao điểm, mỗi ngày cơ sở thu đến vài triệu đồng”, chị Vân nói.
Ông Đinh Văn Bảy, chủ một nhà hàng tại bãi Làng cho biết, việc trang bị wifi phục vụ du khách, tivi thông minh màn hình lớn… đã góp phần níu chân du khách lâu hơn. Đặc biệt, vào ban đêm không còn cảnh điện chập chờn lúc tỏ, lúc mờ. Đêm Cù Lao Chàm giờ đây bừng sáng với điện chiếu sáng chạy dọc các bãi biển. Du khách ăn uống thưởng ngoạn biển đêm. Tiếng nhạc karaoke tưởng như xa xỉ với người dân trên đảo lúc trước giờ văng vẳng như thị thành. “Lúc trước dùng điện từ 3.500 - 4.000 đồng/kWh, giờ điện lưới giá bằng với đất liền thôi nên vừa tiết kiệm, vừa tăng thu nhập cải thiện đời sống”, ông Bảy cho biết.
Từ sân bay Đà Nẵng, du khách di chuyển dọc theo tuyến đường biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa vào đến bến Cửa Đại. Vé đi tàu cho khách lẻ là 200 nghìn đồng/người/lượt kèm 50 nghìn đồng phí tham quan đảo. Homestay trên đảo có mức giá từ 250 - 350 nghìn đồng/ngày đêm, thuê xe máy tham quan đảo 100 nghìn đồng/ngày. Du khách có thể nhờ chủ các homestay phục vụ ăn uống, bắt tour với giá không quá cao. |
Theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, Cù Lao Chàm có 630 hộ dân với hơn 4.200 nhân khẩu. Phần lớn trong đó trước làm ngư dân với thu nhập bấp bênh. Từ lúc có điện lưới, 70% dân trên đảo tham gia phục vụ du lịch, từ bán hàng lưu niệm, hải sản, dẫn tour đến xe ôm… Số lượng homestay mọc lên như nấm nhưng vẫn không đủ phục vụ du khách mùa cao điểm.
“Có điện lưới là niềm vui lớn nhất của người dân, vừa tăng thu nhập vừa cải thiện chất lượng cuộc sống. Với trung bình 2.500 - 3.000 khách/ ngày, mùa cao điểm đến 5.000 khách/ngày, thu nhập bình quân đầu người trên đảo khoảng 40 triệu đồng/năm, con số nhiều địa phương ao ước”, ông An chia sẻ.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận