Những thiên đường được gọi tên
"Tạm xa thành phố, tìm về một nơi thật an yên" - đây là hướng đi của nhiều hòn đảo vốn dĩ đã được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan tự nhiên, nay còn đi đầu trong xu hướng phát triển mô hình du lịch sinh thái không khí thải.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Hy Lạp năm 1950, ô tô, xe máy và mọi hình thức phương tiện có bánh xe khác đều bị cấm trên đảo Hydra.
Ngoài đi bộ, phương tiện giao thông duy nhất được chấp thuận trên hòn đảo của Hy Lạp này là cưỡi lừa.
Sự vắng bóng của các phương tiện di chuyển đã góp phần tạo nên sự yên bình không thể phủ nhận của hòn đảo, thu hút các nhà sáng tạo từ khắp nơi, trong đó có nữ diễn viên nổi tiếng người Italia Sophia Loren, người đã rất yêu Hydra khi quay bộ phim "Boy on a Dolphin" năm 1957.
Hydra - hòn đảo không khói ô tô nổi tiếng thế giới.
Tương tự, hòn đảo nhỏ Île-de-Bréhat trên eo biển Manche của Pháp được mệnh danh là nơi ẩn náu thanh bình - nơi không có khói bụi, tiếng ồn của ôtô.
Cả du khách lẫn người dân đều phải di chuyển các phương tiện du lịch bền vững như xe đạp, xe điện hoặc đi bộ.
Đây là cách duy trì bầu không khí trong lành cho hòn đảo rộng 3,4km2, vừa tạo nguồn lợi phát triển du lịch bền vững.
Một thiên đường khác luôn duy trì được những con phố yên tĩnh, và thậm chí đường không trải nhựa.
Tại Caye Caulker (thuộc quốc gia Trung Mỹ Belize), phương tiện giao thông mà du khách bắt gặp nhiều nhất là xe đạp hoặc xe golf.
Hòn đảo mang đến sự kết hợp hài hòa giữa sự biệt lập và văn minh. Có một đường băng phục vụ các chuyến bay nhỏ và dịch vụ phà từ đất liền.
Caye Caulker chỉ cách rạn san hô Great Mesoamerican Barrier một quãng đi thuyền ngắn.
Du khách dễ dàng trải nghiệm, chiêm ngưỡng rạn san hô ở Caribe với các hoạt động lặn bằng ống thở và lặn biển ngoạn mục.
Tiện nghi mà vẫn sinh thái
Không khí thải, không có nghĩa là bài trừ toàn bộ tiến bộ của nhân loại. Hạ tầng nghỉ dưỡng phải luôn được đảm bảo với kiến trúc và phong cách khác biệt mới đủ sức hút khách.
Ở phía Nam Hy Lạp, đảo Astypalea là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ không khí trong lành, môi trường sạch sẽ và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Hòn đảo đã thực hiện chiến dịch độc đáo: Đảo không khói thuốc, không khói xe, và thúc đẩy di chuyển xe điện đầu tiên trên thế giới.
Đi đầu trong chiến dịch "không khói thuốc" tại một quốc gia có biệt danh "cừu đen châu Âu" (có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất châu Âu), các du khách khi đến tham quan Astypalea đều được người dân và chính quyền địa phương khuyến khích bỏ thuốc và dành thời gian cho những thói quen lành mạnh như: Đạp xe, đi bộ... để tăng cường sức khỏe.
Hòn đảo nổi tiếng này còn có tên gọi: Đảo "đổi mới". Bất chấp việc có một lịch sử lâu đời phong phú, hòn đảo đang tái định vị vững chắc trong thế kỷ XXI với mục tiêu trở thành đảo thông minh và bền vững đầu tiên của vùng biển Địa Trung Hải.
Dự án phương tiện di chuyển không khí thải trên toàn đảo là một phần của thỏa thuận với Chính phủ Hy Lạp và một hãng xe ô tô.
Theo đó, dịch vụ trên toàn đảo sẽ thay thế việc cho thuê phương tiện truyền thống bằng ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện. Các trạm sạc xe điện và nguồn năng lượng tái tạo cũng được bổ sung.
Trạm sạc xe điện tại đảo Astypalea.
Điều này cũng mở ra hướng đi mới cho các hòn đảo du lịch của Việt Nam, nếu muốn định vị trở thành hòn đảo du lịch sinh thái toàn cầu.
Trong đó, tiềm năng nhất có đảo Cát Bà - hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Cát Bà, thuộc quần thể di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà do UNESCO công nhận.
Hòn đảo này cũng sở hữu những báu vật thiên nhiên vô giá như Vườn Quốc gia Cát Bà với hệ động thực vật phong phú, cùng nền tảng văn hóa bản địa lâu đời với làng nghề truyền thống làm mắm, hay làng cổ ẩn mình trong rừng nguyên sinh, hoặc làng chài cổ trên vịnh…
Cát Bà đang có ý tưởng quy hoạch táo bạo để trở thành hòn đảo sinh thái thông minh.
Những động thái đầu tiên đã diễn ra từ năm 2016 với sự tham gia của đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu thế giới WATG.
Cát Bà cũng đã có thành công bước đầu trong chiến lược hạn chế khí thải hướng tới hòn đảo sinh thái bằng việc phát triển hệ thống cáp treo Cát Hải - Phù Long.
Thay vì phải chờ đến 4 - 5 tiếng đồng hồ, chen chúc khi di chuyển bằng phà như trước đây, thì nhiều du khách hiện nay lựa chọn cáp treo để khám phá Cát Bà, Hải Phòng.
Thời gian di chuyển của phương tiện này chỉ mất khoảng 15 phút nên ngoài việc tiết kiệm chi phí, du khách còn tiết giảm được cả thời gian chờ đợi.
Ý tưởng về đảo sinh thái càng được chú ý trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đây được coi là cam kết rất mạnh mẽ đối với một quốc gia đang phát triển dựa trên các nguồn nguyên liệu hóa thạch có lượng phát thải khí nhà kính tương đối lớn.
Cát Bà có ý tưởng quy hoạch táo bạo để trở thành hòn đảo sinh thái không khói xe.
Theo giới chuyên gia, để thực hiện cam kết, Việt Nam cần huy động sự tham gia đóng góp của cả xã hội, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp, để đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính từ các nguồn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và cả trong lĩnh vực du lịch, lữ hành.
Giới phân tích cũng cho rằng, ngành du lịch có khả năng thúc đẩy sự phát triển bền vững nếu nhận được đầu tư đúng hướng.
Các hình thức du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch xanh đều có thể giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường và địa phương.
Trong đó, tập trung vào việc sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng của cơ sở lưu trú và khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động du lịch bền vững cũng có thể giảm bớt tác động của "dấu chân carbon".
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những quy định ngặt nghèo hạn chế xả khí thải CO2 ra môi trường, từng bước củng cố ý thức cộng đồng về du lịch xanh, thúc đẩy các hoạt động thiết thực gìn giữ, bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Và với những hướng đi này, những hòn đảo tuyệt đẹp luôn duy trì được vẻ đẹp vốn có, phát triển du lịch sinh thái bền vững và thu hút ngày càng đông du khách "có trách nhiệm".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận