Cảnh sát đứng gác bên ngoài trụ sở hãng luật Mossack Fonseca trong vụ khám xét |
Cảnh sát Panama đã khám xét trụ sở và các chi nhánh của công ty luật Mossack Fonseca - trung tâm của vụ bê bối Tài liệu Panama vừa bị phanh phui, để tìm kiếm bằng chứng về các hoạt động bất hợp pháp của công ty này, theo BBC ngày 13/4.
"Mất bò mới lo làm chuồng"
Hôm qua, hãng tin Reuters dẫn lời các công tố viên cho biết, cảnh sát cùng một đơn vị chống tội phạm có tổ chức tiến hành khám xét trụ sở Mossack Fonseca ở Thủ đô Panama City nhằm tìm kiếm các bằng chứng và tài liệu liên quan “những hành vi bất hợp pháp” hỗ trợ nhiều lãnh đạo cấp cao, khách hàng giàu có trên thế giới rửa tiền và trốn thuế. Ngoài ra, công tác điều tra và khám xét cũng được triển khai tại một số chi nhánh khác của Mossack Fonseca ở Panama.
Sau đó, văn phòng tổng chưởng lý cho biết “đã thu thập được tài liệu liên quan đến thông tin được công bố trên báo về việc dùng hãng luật cho các hoạt động bất hợp pháp”.
Hiện, Mossack Fonseca vẫn bác bỏ mọi cáo buộc sai phạm, cho rằng công ty này chỉ lập các tài khoản tài chính nước ngoài và các công ty ẩn danh cho khách hàng chứ không dính dáng đến việc những tài khoản trên được sử dụng như thế nào. Hãng luật này cũng khẳng định tiếp tục hợp tác với giới chức nước này trong công tác điều tra. Trước đó, Mossack Fonseca gửi đơn khiếu nại cho rằng, các tin tặc nước ngoài đã tấn công và đánh cắp 11,5 triệu tài liệu. Hãng này tuyên bố việc công bố chi tiết về tài chính cá nhân các khách hàng của hãng này là “đòn tấn công” nhằm vào Panama.
Trong bối cảnh Tài liệu Panama đang tiếp tục gây chấn động thế giới, hôm 12/4, Nghị viện châu Âu (EP) đã họp tại Strasbourg (Pháp) để bàn các biện pháp chống gian lận thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Các biện pháp này được hai Ủy viên châu Âu là Pierre Moscovici, người phụ trách vấn đề thuế và người đồng nhiệm đặc trách bình ổn tài chính Jonathan Hill đề xuất.
Theo đó, Ủy ban châu Âu EC với vai trò hành pháp, sẽ chỉ đạo các quốc gia thành viên phải công bố các dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia hoặc là doanh số, lợi nhuận, ngưỡng trần tính tiền thuế mà tập đoàn đa quốc gia phải nộp ở mỗi nước thành viên.
Theo các biện pháp mới mà EC đề xuất, tập đoàn đa quốc gia, bất kể đến từ quốc gia nào, nếu doanh thu lên trên 750 triệu euro, sẽ phải công bố các thông tin về doanh số, kế toán và lợi nhuận… Lợi nhuận thu được ở quốc gia nào sẽ phải nộp thuế ở ngay đó.
Tất cả những thông số này sẽ được các cơ quan thuế của các nước thành viên EU chia sẻ cho nhau một cách tự động. Hàng loạt công ty đa quốc gia như: Amazon, Google, Facebook, Coca-Cola… sắp tới sẽ phải ra trước Nghị viện châu Âu để trình bày ý kiến của họ về đề xuất mới nói trên của EC.
Khó ngăn ngừa trốn thuế
Tuy nhiên, nỗ lực này không đủ làm hài lòng các tổ chức phi Chính phủ chống tệ nạn trốn thuế. Tổ chức Oxfam cho rằng, nếu các tập đoàn đa quốc gia vẫn cố tình che giấu thông tin thì không thể nào biết họ hoạt động gì ở các thiên đường thuế và cơ chế tổ chức trốn thuế. Bởi các biện pháp của EC chỉ có hiệu lực trong EU mà thôi.
Hôm qua, tại Paris (Pháp) diễn ra cuộc họp của các quan chức về thuế ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) liên quan đến Tài liệu Panama. Mục tiêu cuộc họp là thành lập một Ủy ban điều tra quốc tế quy mô nhất trong lịch sử, điều tra các cá nhân trốn thuế có tên trong Tài liệu Panama. “Các Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính của 28 nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp vào ngày 22/4 tới để bàn về Tài liệu Panama”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jeanine Hennis-Plasschaert cho biết. |
Trên thực tế, châu Âu vẫn bất lực trước vấn nạn trốn thuế kể từ sau vụ LuxLeaks tại Luxembourg hồi cuối năm 2014. Khi đó, 350 tập đoàn đa quốc gia đã ký 548 thỏa thuận bí mật với Sở thuế Luxembourg để nộp thuế ít hơn, bằng cách khai báo lỗ tại các nước đang thực sự đầu tư và khai báo lãi tại Luxembourg - nơi có mức thuế rất thấp. Cách làm này có lợi cho Luxembourg, nhưng gây thất thu rất lớn cho các nước khác.
Tờ Politiken của Đan Mạch cho rằng, bản thân các nước châu Âu cũng cạnh tranh với nhau và mời chào các tập đoàn đa quốc gia làm theo cách này để có lợi cho riêng mình. Trong khi tờ Tribune de Geneve của Thụy Sĩ cũng cho biết, kết quả cuộc chiến chống trốn thuế bằng cách chuyển giá trong suốt năm 2015 tại châu Âu không có kết quả đáng kể nào.
Tính tới cuối năm ngoái, mới chỉ có hai tập đoàn đa quốc gia bị chỉ đích danh là Starbucks và Fiat phải nộp lại 20 và 30 triệu euro. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khác, trong đó có Amazon tại Luxembourg và Apple tại Ireland... điều tra cả năm song vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận