Những trường hợp công nhận đăng kiểm viên đặc biệt
Thông tư 02 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan công nhận đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa trong trường hợp đặc biệt bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, thuận tiện khi triển khai áp dụng.
Theo đó, đăng kiểm viên tàu biển có Giấy chứng nhận đăng kiểm viên tàu biển còn hiệu lực hoặc đăng kiểm viên của tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS), sau khi được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa sẽ được công nhận là đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa.
Đăng kiểm viên tàu biển bậc cao được công nhận tương ứng đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng I, đăng kiểm viên tàu biển được công nhận tương ứng đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hạng II.
Sau thời gian 6 tháng kể từ ngày công nhận đăng kiểm viên phương tiện thuỷ nội địa hạng II, nếu được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên hạng I và được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đạt yêu cầu sẽ được công nhận nâng hạng đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I.
So với quy định hiện hành, nội dung này đã lược bỏ một số quy định như: Đăng kiểm viên tàu biển này phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, cơ khí tàu thuyền có kinh nghiệm giám sát chất lượng an toàn kỹ thuật tàu thuyền trong các đơn vị đóng mới, sửa chữa phương tiện, còn độ tuổi lao động sau khi tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa, có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 3 tháng, sẽ được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ nhưng cũng chỉ được công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III.
Như vậy, với đề xuất mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tuyển dụng đăng kiểm viên phương tiện thuỷ nội địa, nâng hạng cũng như mở rộng phạm vi thực hiện kiểm tra phương tiện thuỷ nội địa cho đăng kiểm viên tàu biển khi được công nhận là đăng kiểm viên thủy.
Thông tư cũng quy định: Người đã có từ 1-3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển và có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 6 tháng, sau khi được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa sẽ được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III.
Người đã có trên 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển và có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 3 tháng, sau khi được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa sẽ được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III.
Đối với đăng kiểm viên tàu biển đã được công nhận thực hiện công tác thẩm định thiết kế tàu biển và còn thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng kiểm viên, sau khi được tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa sẽ được công nhận đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa với nhiệm vụ, phạm vi thực hiện tương ứng.
Người có thời gian thực hiện nhiệm vụ thiết kế tàu thủy tại các đơn vị thiết kế tàu thủy tối thiểu 2 năm sau khi được tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa, có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 3 tháng cũng sẽ được kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ để công nhận đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa.
Về tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị, Thông tư 02/2024 cũng bổ sung quy định đăng kiểm viên tàu biển cũng có thể trở thành lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa hạng I, II, III.
Với những quy định trên, theo lãnh đạo phụ trách Phòng Tàu sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ góp phần khẩn trương bổ sung nhân lực đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa trong bối cảnh đang thiếu hụt nhân lực sau loạt các vụ án liên quan đến các chi cục đăng kiểm trên cả nước.
Siết tiêu chuẩn đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa
Nếu như quy định hiện hành chỉ yêu cầu đăng kiểm viên hạng III cần tốt nghiệp cung cấp nghề trở lên thì tại Thông tư 02/2024 còn sửa đổi quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III theo hướng siết chặt, trong đó quy định, đăng kiểm viên phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; Đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III. Cùng với đó, chỉ còn quy định thời gian thực tập đăng kiểm tối thiều 12 tháng.
Đối với tiêu chuẩn đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II, Thông tư 02/2024 quy định: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm, thay vì quy định rõ ngành học (như: Vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, cơ khí tàu thuyền…) như quy định hiện hành.
Ngoài ra cũng giảm thời gian giữ hạng đối với đăng kiểm viên hạng III muốn nâng hạng lên hạng II, chỉ cần có tổng thời gian giữ hạng đủ 12 tháng thay vì tối thiểu 36 tháng như hiện nay.
Về tiêu chuẩn đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I, Thông tư mới bỏ quy định phải tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, cơ khí tàu thuyền; Đồng thời, bổ sung quy định về thời gian giữ hạng đối với đăng kiểm viên hạng II muốn nâng hạng lên hạng I là đủ 24 tháng.
Đối với tiêu chuẩn đăng kiểm viên thẩm định thiết kế, Thông tư mới quy định thời gian thực tập nghiệp vụ chỉ tối thiểu 6 tháng, rút ngắn 1/2 thời gian so với quy định hiện hành (12 tháng).
Đặc biệt, đối với quy định về tin học, ngoại ngữ, Thông tư không quy định chi tiết bằng cấp của từng hạng đăng kiểm viên mà chỉ quy định chung chung: Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm; tạo nhiều thuận lợi trong tuyển dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận