Phân tích sâu, giải mã gen virus gây chùm ca mắc Covid-19 ở Hải Dương
Xác định tình trạng phức tạp của chùm ca mắc Covid-19 tại Hải Dương, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo điều tra, bệnh nhân số 867 có thể mắc Covid-19 từ ngày 30/7 và đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế, tiếp xúc với nhiều người.
Phân tích thêm về chùm ca bệnh tại Hải Dương Nam, ông Long cho biết các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương phân tích sâu, giải mã gen virus gây bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có sau một vài ngày.
Ban Chỉ đạo cho rằng việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người phục vụ đều không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.
Theo ông Long, việc Tp. Hải Dương thực hiện cách ly xã hội là giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, đúng đắn. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hải Dương truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; Đặc biệt triển khai nhanh nhất có thể việc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với tất cả những người đi đến, có liên quan đến quán ăn ở Hải Dương.
Bộ Y tế đã phối hợp sát sao với tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó; Đồng thời Bộ cũng sẽ hỗ trợ toàn diện tỉnh Hải Dương trong công tác truy vết, tổ chức cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, tiến hành xét nghiệm thật nhanh để ngăn chặn dịch.
Đồng thời phối hợp với tỉnh Hải Dương nhanh chóng khôi phục toàn bộ hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 của 4 cơ sở tại địa phương, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng dự kiến 1.500 mẫu/ngày. Đồng thời Bộ đã cử Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ ngành y tế Hải Dương thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Cũng trong ngày hôm nay, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi Giám đốc BV Bạch Mai đề nghị điều 1 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 đến hỗ trợ Hải Dương.
Yêu cầu lập các đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch Covid-19
Ngày 14/8, Bộ Y tế đã kí công văn gửi đến Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế ngành về việc nâng cao năng lực cho các đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch Covid-19.
Theo đó, nhằm tăng cường hỗ trợ cho các địa phương quản lý, chăm sóc và điều trị Covid-19, đặc biệt hỗ trợ điều trị các ca bệnh nặng/nguy kịch, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thành lập 51 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona 2019 (Covid-19)
Để tiếp tục tăng cường, bổ sung lực lượng cho đội cơ động phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương khi có nhu cầu, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế, Y tế ngành tiếp tục chỉ đạo thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn.
Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế, Y tế ngành chỉ đạo các Bệnh viện trực thuộc đánh giá năng lực và xem xét khả năng để đăng ký tham gia tăng cường cho lực lượng cơ động Quốc gia theo các đội tương ứng với các cấp độ hồi sức tích cực.
Cụ thể, cần 3 bác sĩ cấp độ 1 và cấp độ 2. Trong đó, bác sĩ cấp độ 1 là bác sĩ truyền nhiễm/bác sĩ đa khoa/bác sĩ nội khoa đã được đào tạo về điều trị Covid-19 và các biện pháp cách ly, biết cách cho thở oxy.
Cần 5 điều dưỡng gồm điều dưỡng và điều dưỡng chuyên khoa hồi sức tích cực đã được đào tạo về điều trị Covid-19 và các biện pháp cách ly.
Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn cho các đối tượng trên, chủ động điều phối hỗ trợ cho các đơn vị theo yêu cầu khi có dịch bệnh xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận