Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương phản ánh, từ khi dự án nâng cấp, mở rộng QL1K đoạn từ mố A cầu Hóa An đến ngã tư Linh Xuân đưa vào vận hành khai thác, mật độ phương tiện giao thông tăng cao.
Tuy nhiên, công tác bảo trì chưa được chủ đầu tư BOT thực hiện đầy đủ, kịp thời, dẫn đến mất ATGT trên nhiều đoạn, đã xảy ta nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do kết cấu hạ tầng giao thông không đảm bảo, thiếu hệ thống đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng. Cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư, tuy nhiên việc sửa chữa vẫn không được thực hiện.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, dự án hoàn thành năm 2006 đã phát huy hiệu quả của việc đầu tư. Trong quá trình vận hành, khai thác đã thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ thường xuyên theo quy định.
Những năm gần đây, lưu lượng giao thông tăng rất nhanh, đặc biệt là xe tải nặng thường xuyên ra vào khu công nghiệp, xe chở vật liệu ra vào các mỏ vật liệu... Đồng thời, quá trình đô thị hóa xây dựng hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến nhanh dẫn đến mới xuất hiện một số vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
"Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương về công tác quản lý, duy tu, bảo trì đối với đoạn tuyến QL1K qua địa bàn tỉnh Bình Dương và giao Tổng cục Đường bộ VN với trách nhiệm là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền giai đoạn kinh doanh, khai thác chỉ đạo nhà đầu tư BOT khẩn trương kiểm tra công tác duy tu, sửa chữa và xử lý nghiêm theo quy định nếu có vi phạm, đảm bảo ATGT phục vụ đi lại của nhân dân trong vùng", Bộ GTVT cho biết.
Với đề nghị sớm triển khai tuyến đường sắt Xuyên Á (đoạn Dĩ An - Lộc Ninh) để người dân vùng dự án ổn định cuộc sống, Bộ GTVT cho biết đã phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết đường sắt khu đầu mối TP.HCM trong đó có tuyến đường sắt Sài Gòn (Dĩ An) - Lộc Ninh.
Tại Quyết định số 1468/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tuyến đường sắt Sài Gòn (Dĩ An) - Lộc Ninh tiếp tục được dự kiến đầu tư trong giai đoạn sau năm 2020.
"Trong thời gian tới, trường hợp có điều kiện về vốn hoặc có nhà đầu tư quan tâm đề xuất, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương để xây dựng phương án và báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật", Bộ GTVT cho biết.
Cũng liên quan đến dự án này, trước đề nghị tổ chức cắm mốc và bàn giao mốc ngoài thực địa để quản lý quỹ đất theo quy hoạch, Bộ GTVT khẳng định, để tăng cường công tác quản lý đất dành cho đường sắt theo quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng lấn chiếm đất hành lang an toàn đường sắt, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa và bàn giao mốc giới theo quy hoạch các tuyến đường sắt là cần thiết.
"Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt VN phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm cắm mốc ngoài thực địa tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Sau khi hoàn thành việc cắm mốc thí điểm tuyến đường sắt nêu trên, Bộ GTVT sẽ rà soát, đánh giá để nghiên cứu phương án triển khai cắm mốc đối với các tuyến còn lại theo quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 56/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt", Bộ GTVT cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận