Xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường
Cũng như hàng chục hộ dân người Raglai về khu tái định cư Suối Lau 2, chị Cao Thị Yến không ngờ lại bốc thăm được lô đất chỉ cách bãi rác của xã 100m. Bãi rác lộ thiên được xử lý bằng cách chôn lấp và đốt, nên gia đình chị Yến đang phải sống chung với mùi rác cháy khét, ruồi bay vào nhà.
Ông Hà Văn Xuân, Trưởng thôn Suối Lau 2 cho biết thêm, hiện nay khu tái định cư Suối Lau 2 mới có gần 40 hộ dân đến ở, chủ yếu là người Raglai. Việc ở gần bãi rác lộ thiên và cách xử lý rác chưa đúng yêu cầu khiến bà con bức xúc, phản ánh tình trạng bị ô nhiễm.
Được biết, trước đây, bãi rác tạm của xã có quy mô 1,5ha, là nơi tập kết rác của xã Suối Cát với khối lượng khoảng 100 tấn rác tồn đọng. Năm 2021, khu tái định cư Suối Lau 2 được hình thành với quy mô hơn 3ha nhằm phục vụ cho người dân bị thu hồi đất bởi cao tốc Bắc - Nam.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân trong khu tái định cư, các cấp chính quyền tỉnh Khánh Hoà đã xử lý bãi rác tạm này. Tuy nhiên, bãi rác mới được hình thành ở một vị trí khác vẫn gây ảnh hưởng đến khu dân cư.
Ông Lê Thành Huy, Phó chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, khó khăn hiện do huyện chưa có bãi rác tập trung nên tất cả rác thải trên địa bàn xã phải tập trung về một chỗ. Để tránh tình trạng ô nhiễm cho bà con, xã sẽ chỉ đạo tổ xử lý rác thải một cách hợp lý hơn, không đốt và chôn lấp như hiện nay.
Sớm giải bài toán thiếu nước sạch
Ngoài nỗi lo ô nhiễm môi trường, người dân ở hai khu tái định cư trên đang chịu chung cảnh thiếu nước sinh hoạt. Tại đây, các hộ dân muốn dùng được nước phải khoan địa chất qua lớp đất bị phèn, nhưng chi phí dao động từ 50-100 triệu đồng/giếng, khiến nhiều hộ dân không có khả năng tài chính.
Anh Mang Sơn (một trong số gần 30 hộ người Raglai ở khu tái định cư Suối Lau 2) cho biết: "Nhà nào có tiền thì khoan giếng, nhà không có thì phải mua nước về dùng. Còn giặt giũ thì ra hệ thống thủy lợi".
Cách khu tái định cư Suối Lau 2 không xa, khu tái định cư Tân Xương 2 cũng chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Nhật, ở khu tái định cư này cho biết, đã nhiều tháng nay, gia đình phải chắt chiu từng giọt để dùng, bởi mỗi khối nước phải mua tới 50 nghìn đồng. Còn nước tắm, giặt thì phải dùng nước thủy lợi.
Được biết, để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 thôn Suối Lau 1, 2, 3 của xã Suối Cát, năm 2017, hệ thống cấp nước sinh hoạt ở đây đã được đầu tư. Hệ thống sau này cũng để phục vụ nước cho khu tái định cư phục vụ xây dựng cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Năm 2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao cho xã Suối Cát quản lý, khai thác hệ thống cấp nước này. Trong thời gian chờ tỉnh phê duyệt phương án quản lý, sử dụng, xã vận hành và thu phí tạm thời với mức giá là 6 nghìn đồng/m3.
Tuy nhiên, quá trình vận hành phát sinh nhiều chi phí khiến giá thành lên đến 14.922 đồng/m3 nước nên xã phải bù lỗ liên tục, những người vận hành đều không có thù lao hàng tháng. Tiền thu từ hộ dân chỉ đủ bù tiền điện. Vì vậy, từ cuối tháng 5 đến nay, hệ thống nước sạch này phải dừng hoạt động.
Về kiến nghị này, ông Lê Thành Huy, Phó chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, mới đây, xã đã đề nghị huyện Cam Lâm chọn đơn vị có năng lực để vận hành, khai thác hệ thống nước sạch, bà con cũng được dùng nước với giá thấp hơn. Xã cũng đề nghị hỗ trợ để chi trả cho nhân viên bảo vệ nhà máy trong 8 tháng.
Theo một cán bộ UBND huyện Cam Lâm, huyện đã cấp bù kinh phí cho xã Suối Cát để chi trả cho nhân viên bảo vệ là 180 triệu đồng. Hiện, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND huyện Cam Lâm tiếp tục chỉ đạo xã Suối Cát lập phương án giá nước sinh hoạt theo quy định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xã Suối Cát quản lý và vận hành hệ thống cấp nước.
Khu tái định cư Tân Xương 2 rộng 3,7ha; khu tái định cư thôn Suối Lau rộng 2ha, được xây dựng bố trí cho hơn 60 hộ dân. Hệ thống nước sinh hoạt có công suất 400m3/ngày đêm gồm: nhà vận hành, trạm bơm, hệ thống xử lý, mạng lưới đường ống dài 7,5km phục vụ 3 thôn Suối Lau 1,2,3 với 550 hộ. Công trình giá trị gần 9 tỷ đồng, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án huyện Cam Lâm. Được xây dựng năm 2017, đến năm 2020 công trình hoàn thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận