Vận tải

Khánh Hòa: Chưa được cấp phép, Grab vẫn lôi kéo tài xế chạy “chui”

27/09/2017, 07:01

Chưa được tỉnh Khánh Hòa cấp phép hoạt động, nhưng nhiều tuần nay, Grab Taxi vẫn công nhiên hoạt động...

7

Đặt ứng dụng Grab, tuy nhiên xe thực hiện lộ trình lại là hãng taxi đơn vị khác

Mập mờ liên kết ứng dụng Grab

Nhiều ngày qua, trong vai hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ Grab Taxi, PV Báo Giao thông dễ dàng đặt các chuyến xe trên mọi hành trình từ Nha Trang (Khánh Hòa). Điều lạ, bên cạnh một số xe không đề biển, PV bất ngờ khi tài xế nhận chuyến từ ứng dụng Grab lại của một số taxi chính hãng.

Cụ thể, khoảng 14h30 ngày 21/9, từ ứng dụng Grab trên điện thoại thông minh, PV đặt xe cho hành trình Nha Trang Center về chùa Long Sơn (TP Nha Trang). Chưa đầy 30 giây, ứng dụng hiện thông báo tài xế N.L. điều khiển xe ô tô BKS 79A-063.XX thực hiện lộ trình. Giá cước hiển thị 25-27.000 đồng. Tài xế L. điện lại để xác nhận cho hành khách, xác nhận sử dụng dịch vụ và trả lời 1 phút sau sẽ đến. Tuy nhiên, khi xe ô tô BKS 79A-063.XX đến đón, trước mắt chúng tôi là hình ảnh nhận diện của taxi Mai Linh. Anh L. bảo: “Do Grab mới triển khai, nên họ mời anh em tài xế taxi truyền thống cùng liên kết”.

Đại diện lãnh đạo các hãng taxi truyền thống khẳng định họ không hề có chủ trương liên kết với Grab Taxi. Ông Hồ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty CP Á Châu cho biết, Grab đã tự ý liên hệ với các lái xe, cài đặt ứng dụng và cho rằng sẽ cắt “hoa hồng” để lôi kéo tài xế taxi truyền thống tham gia. Công ty đã có ứng dụng phần mềm đặt xe riêng và đang hoạt động hiệu quả, do đó không liên kết với Grab. Đây là hoạt động tự phát của tài xế. Chúng tôi kiểm tra và vừa phát hiện 1 trường hợp của đơn vị bắt khách theo ứng dụng Grab. 

Chưa hết bất ngờ, thay vì giá cước trọn gói như Grab thông báo, tài xế L. cho biết hành khách vẫn phải tính cước theo giá đồng hồ tính phí của xe. Thực tế chuyến đi, PV trả số tiền 30.000 đồng. “Mình chỉ qua Grab để lấy xác nhận khách thôi, còn lại vẫn tính cước như bình thường”, tài xế phân trần.

PV sau đó thực hiện nhiều lệnh đặt xe khác trên ứng dụng Grab và hầu hết đều do tài xế của các hãng taxi truyền thống đến đón. Tương tự, tiền cước xe cũng được tính theo giá trên bảng đồng hồ tính cước của hãng chứ không phải thông báo trên Grab. Có chuyến đi, giá thực tế phải trả là 45.000 đồng, thay vì chỉ trả 20.000 đồng như thông báo của ứng dụng.

Tìm hiểu từ trang web của Grab Taxi, đơn vị này công bố chính thức áp dụng dịch vụ Grab Taxi tại Khánh Hòa từ ngày 17/9. Theo đó, giá cước được Grab áp dụng tính ở xe 4 chỗ và 7 chỗ. Cước trên ứng dụng dựa trên ước tính, còn khách hàng sẽ phải trả cước theo đồng hồ và giá cước của hãng taxi đang chuyên chở với 3 hãng là: Taxi Mai Linh, Taxi Asia và Taxi Quốc Tế trên địa bàn TP Nha Trang. Giá cước taxi dao động từ 13.500 - 17.000 đồng/km và giá mở cửa từ 7.000 - 8.000 đồng/0,5 km; dịch vụ đi sân bay 1 chiều từ 250.000 đồng (4 chỗ) - 300.000 đồng (7 chỗ). Hãng này còn đưa ra khuyến mãi, nhập mã THAPCHAM (giảm 40.000 đồng cho chuyến Grab đầu tiên tại Khánh Hòa) kéo dài đến ngày 31/10.

8

Grab thông báo triển khai tại Khánh Hòa dù chưa được cấp phép

Grab chạy chui, tài xế “liên kết ngầm”

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Dần, Phó giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa khẳng định, tỉnh Khánh Hòa hiện vẫn chưa cấp phép cho Công ty TNHH Grab Taxi triển khai hoạt động dịch vụ, cũng như triển khai ứng dụng. Theo ông Dần, địa phương hoan nghênh việc ứng dụng công nghệ trong việc phát triển các lĩnh vực GTVT, nhưng phải phù hợp với thực tiễn, hạ tầng và quy hoạch.

Chỉ tính riêng TP Nha Trang, khoảng 400.000 dân nhưng hiện có đến 16.000 xe 4 - 7 chỗ đăng ký (chưa kể các xe ngoại tỉnh), khoảng 1.800 xe 45 chỗ. Mỗi ngày, với việc phát triển du lịch, Nha Trang có khoảng 3.000 xe từ 16 chỗ trở lên phục khách du lịch nên tình trạng ùn ứ giao thông tại một số tuyến đường thường xuyên diễn ra.

Lãnh đạo Sở GTVT Khánh Hòa cũng cho biết, việc triển khai Grab vô tình sẽ phát triển mạnh xe cá nhân, kẹt xe càng thêm nghiêm trọng. Đáng kể, tại Khánh Hòa có 14 hãng taxi truyền thống với tổng số 1.250 đầu xe. Trước tình trạng “bão hòa” này, tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất tạm dừng phát triển thêm số lượng taxi và đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn. “Đây là chủ trương chung cho tất cả đơn vị chứ không riêng gì Grab. Chúng tôi đang yêu cầu Grab chấm dứt tình trạng này”, ông Dần cho biết.

Được biết, khi thực hiện đề án ứng dụng khoa học hỗ trợ công nghệ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại hình xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống của Công ty TNHH Grab Taxi, Khánh Hòa được chọn là địa phương thí điểm từ tháng 1/2016, trong thời hạn 2 năm. Tuy nhiên, sau 9 tháng kể từ khi quyết định có hiệu lực, Grab Taxi không thực hiện việc thí điểm tại Khánh Hòa. Thay vào đó, Vinasin Taxi và Sun Taxi được chọn thực hiện thí điểm ứng dụng taxi công nghệ.

“Khánh Hòa đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị dừng triển khai chương trình thí điểm của Grab Taxi để tập trung cho hai đơn vị thí điểm của Vinasin Taxi và Sun Taxi với tổng số 207 xe”, ông Dần nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.