Khóa đường vào ra chở vật liệu
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các doanh nghiệp hoạt động tại mỏ đá Hòn Giốc Mơ (xã Ninh Lộc, TX Ninh Hoà) đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng ở Khánh Hoà nhờ giúp đỡ bởi đường vào mỏ đá bị rào chắn, khiến việc vận chuyển vật liệu ra ngoài phải dừng lại.
Theo ghi nhận ngày 2/11, từ đầu đường tạm để vận chuyển vật liệu từ mỏ đá Hòn Dốc Mơ (đoạn giao với đường dân sinh vào thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc) đã bị đóng nhiều cọc tre khiến các loại phương tiện không thể đi qua.
Đại diện các doanh nghiệp có đơn gửi cơ quan chức năng là Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng ADC (Công ty ADC) - đơn vị được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép khai thác khoảng sản vào năm 2011.
Năm 2014, Công ty ADC đã xin phép mở đường ngang giao với đường sắt tại Km 1288+320 (đường sắt Bắc - Nam) để chở vật liệu thi công nâng cấp mở rộng QL1A. Đường này đã hoàn thành và đủ điều kiện đưa vào khai thác theo quyết định ngày 5/11/2015 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Khó khăn ở chỗ, qua nhiều lần họp lấy ý kiến của các hộ dân thôn Ninh Đức (sống gần khu vực đường ngang Km 1288+088, cách đường ngang Km 1288+320 khoảng 200m), nhiều hộ đồng thuận mở đường ngang mới tại Km 1288+320 nhưng lại yêu cầu không rào chắn hết đường cũ (Km 1288+088), mà giữ lại khoảng hở 1,5m đến 2m tại đường ngang cũ, để xe máy và xe đạp vẫn đi lại qua đường sắt.
Vì vậy, gần chục năm nay, đường ngang Km 1288+088 ở trong cảnh "mở không được mà đóng không xong". Các phương tiện vận tải ra vào mỏ đá Hòn Giấc Mơ, tạm thời đi chung nút giao đường ngang tại Km 1288+088.
Thời gian gần đây, TX Ninh Hoà đang tìm cách đóng đường ngang Km 1288+088 và mở đường ngang Km 1288 +320. Thế nhưng đến ngày 21/10, một số người đã rào chắn đường tạm, ngăn không cho phương tiện vận tải ra vào mỏ Hòn Giốc Mơ.
Mặc dù chính quyền và lực lượng chức năng xã Ninh Lộc chỉ đạo tháo dỡ rào chắn tự phát, nhưng sau đó vẫn bị rào lại khiến xe không thể ra vào mỏ.
Ngày 2/11, trao đổi với PV báo Giao thông, ông Đỗ Xuân Hiệu, Tổng giám đốc Công ty ADC cho biết, đường bị rào khiến việc sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này, không chỉ khiến các doanh nghiệp tại khu vực mỏ đá Hòn Giốc Mơ có nguy cơ bị phạt bồi thường hợp đồng mà các nhà thầu cũng bị ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thi công cao tốc đang thiếu vật liệu xây dựng, việc phải dừng vận chuyển ảnh hưởng đến thi công của nhiều đơn vị. Doanh nghiệp cũng không dám ký hợp đồng mới cung cấp cho các đơn vị thi công vì không có đường ra", ông Hiệu than thở.
Gần 10 năm không thể đóng, mở đường ngang
Liên quan đến câu chuyện rào đường vận chuyển đá, ngày 2/11, lãnh đạo xã Ninh Lộc và cán bộ thôn Ninh Đức đều cho rằng, chưa nắm bắt được luồng thông tin gì tác động khiến người dân hành động như vậy.
Ông Trịnh Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Ninh Lộc thông tin, xã đang phối hợp với cán bộ thôn Ninh Đức tuyên truyền và vận động nhân dân đồng thuận, tự giác tháo dỡ rào đường để xe ô tô ra vào mỏ.
Ông Nguyễn Minh Thư, Phó chủ tịch UBND TX Ninh Hoà cho biết, trước mắt chính quyền và các bên liên quan cần tăng cường vận động người dân đồng thuận mở đường để xe ra vào tránh cản trở giao thông, vi phạm pháp luật.
"Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã cần rà soát một lần cuối tiêu chuẩn kỹ thuật của đường ngang Km 1288+320 tham mưu với UBND thị xã để thị xã báo cáo với Ban ATGT tỉnh để có những bước tiếp theo.
"Quan điểm của lãnh đạo TX Ninh Hoà là trước tiên phải đảm bảo cuộc sống, vệ sinh môi trường, ATGT cho người dân ở gần mỏ và khu vực có xe chở đá đi qua. Sau đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động phục vụ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án cao tốc đang xây dựng trên địa bàn, qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Thư nói.
Qua tìm hiểu PV được biết, đường ngang mới tại Km 1288+320 có quy mô cấp II, rộng 12m, có bố trí người gác chắn, đủ các yếu tố kỹ thuật theo quy định của Thông tư 25 của Bộ GTVT, được Bộ GTVT cho phép đấu nối vào QL1A, tại Km 1427+615.
Đường ngang cũ tại Km 1288+088, có quy mô cấp III, rộng 6m, không có cần chắn tự động, có độ dốc lớn, không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật theo Thông tư 25 nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định hủy bỏ để chỉ sử dụng đường ngang tại Km 1288+320.
Điều này không chỉ đảm bảo ATGT mà còn phù hợp quy định pháp luật tại Thông tư 25/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Trong đó quy định, khoảng cách giữa 2 đường ngang ngoài đô thị không được nhỏ hơn 1.000m.
Ngày 28/4, tại đường ngang tại Km 1288+088, một xe tải chở đá băng qua đường sắt đã va chạm với tàu hỏa khiến tài xế tử vong, xe tải biến dạng hoàn toàn.
UBND TX Ninh Hòa cho biết, địa phương đã nhiều lần họp để tuyên truyền, vận động để người dân đóng nút giao đường ngang với đường sắt tại Km 1288+088 và mở đường ngang Km 1288+320.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận