Núi Cô Tiên nằm ở phía bắc thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), có tổng diện tích khoảng 1.480ha. Theo báo cáo, hiện tại khu vực này đã có hơn 20 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu tất cả dự án thuộc núi Cô Tiên phải tạm dừng triển khai để đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu, hoàn thiện đồ án quy hoạch 1/2.000.
Tuy nhiên, qua ghi nhận, một dự án biệt thự vẫn tiếp tục thi công ở khu vực này. Đó là khu biệt thự Đường Đệ Tâm Hương (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang).
Đứng dưới thành phố nhìn lên núi Cô Tiên, mấy ngôi biệt thự sơn màu trắng nằm vắt ngang sườn đồi, nổi bật giữa nền xanh của núi rừng. Vượt dốc đến những ngôi nhà này, chúng tôi nhận thấy công nhân đang tích cực thi công công trình. Ở đây có 4-5 căn biệt thự đang gần hoàn thiện. Gần đó, lực lượng thi công đang múc đất, mở móng hạng mục mới, cách các căn biệt thự cũ khoảng 30-40m.
“Chúng tôi xây dựng theo giấy phép của nhà đầu tư, không biết tỉnh yêu cầu dừng triển khai, không ai nói tôi cả”, một chủ nhà đang triển khai cho biết.
Làng Biệt Thự Tâm Hương do Công ty TNHH Tâm Hương làm chủ đầu tư, khi liên hệ với đơn vị này thì được biết, chủ đầu tư đã đi nước ngoài nhiều tháng nay.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, sẽ cho kiểm tra ngay thông tin chủ đầu tư dự án khu biệt thự Đường Đệ Tâm Hương tiếp tục thi công bất chấp yêu cầu tạm dừng của tỉnh Khánh Hòa.
Theo ông Thọ, hiện nay UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu tất cả dự án thuộc khu vực núi Cô Tiên tạm dừng triển khai để nhà tư vấn nước ngoài nghiên cứu, hoàn thiện đồ án quy hoạch 1/2000. Do đó, việc tại khu vực dự án khu biệt thự Đường Đệ Tâm Hương đang triển khai thi công hạng mục mới là không tuân thủ chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng, khu vực núi Cô Tiên như một thung lũng với một mặt là biển bao bọc cho khu dân cư. Đây là một ngọn núi, cảnh quan tuyệt đẹp, góp phần gìn giữ môi trường khí hậu.
“Không biết vì sao họ cứ khai thác ở trên núi? Nói chung đó là đất lâm nghiệp thì trong quy hoạch đâu có sử dụng mà họ cứ cấp trong đó? Khi cấp phép dự án trên núi, động đến thiên nhiên nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Trong những năm qua, năm nào cũng sạt lở ở khu vực này”, kiến trúc sư Lộc bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận