Chiều 13/12, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ khánh thành Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh sau gần 2 năm xây dựng.
Đây là bảo tàng ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam có chủ đề về cây dừa sáp Trà Vinh - loại cây có giá trị kinh tế và văn hóa đặc biệt.
Ngoài cây lúa, cây dừa là một trong những loại cây trồng chủ lực của Trà Vinh, từ lâu đã gắn bó với người nông dân và là nguồn thu nhập chủ yếu của một bộ phận người dân trong tỉnh.
tại buổi lễ, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: "Vùng đất Cầu Kè, Trà Vinh được thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp, người dân chăm chỉ vun trồng đã cho ra nhiều loại cây trái, đặc sản.
Trong đó đặc biệt nhất là dừa sáp có nguồn gốc cách đây 100 năm. Với những nỗ lực không ngừng, dừa sáp Trà Vinh đã nâng tầm lên một thương hiệu rạng danh và trở thành một cái tên được tôn vinh trên thế giới.
Nó không chỉ là một loại trái cây, mà còn là biểu tượng của sự phát triển và thành công của tất cả những người con quê hương Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung".
Theo ông Thiện, để phát triển cây dừa hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh xuất khẩu, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Cùng với đó là chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025, mục tiêu đến năm 2025, năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha; toàn tỉnh có ít nhất 8.000ha dừa theo hướng hữu cơ.
Trong đó có 6.000ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, chiếm 32% diện tích dừa của tỉnh. Ngoài ra, đến năm 2025, phát triển khoảng 550ha dừa sáp đặc sản.
Để góp phần quảng đặc sản dừa sáp, UBND tỉnh đã cấp phép hoạt động Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh vào ngày 5/6/2024. Đây là bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào cây dừa sáp - loại cây có giá trị kinh tế và văn hóa đặc biệt; đồng thời, là bảo tàng ngoài công lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh sẽ tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà, với chủ đề trưng bày tập trung vào cây dừa sáp Trà Vinh.
Ông Thiện cho biết, đây là dự án được các cấp, các ngành đánh giá cao, một công trình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của trái dừa sáp.
Bảo tàng Dừa sáp được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng trên diện tích xây dựng gần 1.500m2. Công trình được thiết kế chữ U, bao gồm một trệt và hai lầu với một cầu thang chính diện ngoài trời.
Chủ đề chính của công trình tập trung vào cây dừa sáp, từ lịch sử hình thành và phát triển đến các hoạt động sinh hoạt đời sống của cộng đồng bà con trồng dừa sáp, cũng như những sản phẩm chế biến sâu và đa dạng từ loại trái cây này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận