Cầu Cốc Pài được đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang |
Ông Phạm Ngọc Biên, Phó tổng giám đốc Ban QLDA6 (Bộ GTVT – chủ đầu tư) cho biết, cầu Cốc Pài thuộc dự án tín dụng ngành GTVT để nâng cấp, cải tạo hệ thống cầu yếu trên toàn quốc lần thứ hai, sử dụng nguồn vốn vay ODA của JICA và nguồn vốn đối ứng trong nước.
Theo ông Biên, cầu Cốc Pài có chiều rộng 9m, chiều dài toàn công trình là 832,77m, gồm 337,28m cầu với 11 nhịp trong đó 5 nhịp chính là dầm Super T dài 200m và 6 nhịp dẫn là dầm I20 dài 120m; đường dẫn đầu cầu dài 495,49m; đặc biệt công trình có hai trụ P5, P6 cao 60m, tổng mức đầu tư khoảng 186 tỷ đồng.
“Tháng 2/2015, khi những chuyến xe đầu tiên đưa các thiết bị máy móc vào công trường, chúng tôi mới biết được sự khó khăn phức tạp và sự hùng vĩ của địa hình nơi đây, tất cả đều phải đi từ hướng Lào Cai vào và phải sang tải khi còn cách công trường 15km, bên cạnh đó thời tiết khắc nghiệt cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ thi công...”, ông Biên nói và cho biết, cầu Cốc Pài hoàn thành sẽ phát huy và nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến QL4 nối Hà Giang với Lào Cai, góp phần tạo động lực để phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng cho các huyện phía tây tỉnh Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc Bộ nói chung.
Ông Phạm Ngọc Biên, Phó tổng giám đốc Ban QLDA6 phát biểu tại buổi lễ |
Ông Ryoji Takeuchi, Giám đốc Tư vấn dự án (Liên danh KEI – OCG – TEDI) cho biết, thời điểm bắt đầu công việc, có rất nhiều khó khăn về địa hình, điều kiện xã hội tại công trường thi công, Ban QLDA6, nhà thầu và tư vấn đã cố gắng khắc phục để hoàn thành công việc, tạo nên công trình đẹp một cách chất lượng, an toàn và đảm bảo tiến độ.
“Các vấn đề phức tạp như thi công cọc trong khu vực đá cứng, vị trí nằm trên sườn dốc cheo leo, lao lắp dầm qua khe sâu hiểm trở và mặt bằng chật hẹp. Trụ cầu Cốc Pài cao hơn 60m theo tôi được biết là trụ cao thứ 2 tại Việt Nam, chúng ta hãy tưởng tượng việc thi công trụ ở đây phức tạp như thi công tòa cao ốc, phải dùng đến vận thăng, cẩu tháp trong điều kiện sông sâu, núi cao. Việc vận chuyển vật liệu, thiết bị ở đây, dù nhỏ nhất , cũng phức tạp và phải thận trọng”, ông Ryoji Takeuchi nói.
Đại diện liên tư vấn cho rằng, cầu Cốc Pài là điểm nhấn về kỹ thuật xây dựng và thẩm mỹ của dự án tín dụng ngành GTVT nói riêng và ngành xây dựng cầu đường Việt Nam, nói chung. Một cây cầu cong 2 đầu, trụ cầu cao sừng sững được hài hòa với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, núi cao suối sâu nơi đây.
“Tôi rất tự hào vì đã tham gia xây dựng cầu Cốc Pài. Mỗi khi trở lại Nhật Bản tôi thường kể về vẻ đẹp của Hà Giang, tính cách lương thiện trong sáng của những con người nơi đây”, ông Ryoji Takeuchi nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận