Toàn cản cầu Năm Căn (Ảnh minh họa) |
Phá thế ốc đảo cho Ngọc Hiển
Ngày mai (7/2), Bộ GTVT sẽ tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác cầu Năm Căn, cây cầu lớn cuối cùng của đường Hồ Chí Minh nơi mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Cùng với cầu Năm Căn, Bộ GTVT cũng khánh thành các cầu Kênh Cái Tắt, Sáu Nạn, Trại Lưới và đoạn đường từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn.
Cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn nằm trên mạch giao thông nối liền tuyến đường Hồ Chí Minh đến Đất Mũi. Cầu có tổng chiều dài 3.390m, trong đó chiều dài cầu là 817m và hai đường dẫn là 2.500m, từ xã Lâm Hải (Năm Căn) đến xã Viên An (Ngọc Hiển), với 2 làn xe rộng 12 m, bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu Năm Căn có độ tĩnh không 30m, đảm bảo cho tàu thuyền lớn qua lại. Tổng mức đầu tư hơn 650 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó Tổng giám đốc CIENCO 1 cho biết, Năm Căn là cầu vượt sông Cửa Lớn sẽ nối liền hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, phá thế ốc đảo cho Ngọc Hiển - huyện duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay chưa có đường ô tô đi qua. Đồng thời, cầu Năm Căn còn là cầu lớn cuối cùng của con đường mang tên Bác, điểm nối đưa đường Hồ Chí Minh từ điểm đầu ở Pắc Bó (Cao Bằng) về mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.
“Mỗi cây cầu đều gắn liền với lịch sử của mỗi vùng đất, mỗi miền quê. Vì thế, những người thợ cầu đường chúng tôi biết rằng không chỉ người Cà Mau, mà tất cả người dân cả nước, những ai biết về vị trí quan trọng của cây cầu, từng suy nghĩ về một con đường nối liền mạch đất nước đều mong chờ. Chính từ nỗi mong chờ qua nhiều thế hệ ấy đã thôi thúc các Đại biểu Quốc hội thống nhất biểu quyết bổ sung vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ để xây cầu Năm Căn và Bộ GTVT đã lựa chọn những đơn vị có kinh nghiệm nhất, uy tín nhất đã thi công dự án. Đó là CIENCO1- CIENCO4-CIENCO 6”, ông Hòa chia sẻ.
Bước tiến vượt bậc của thợ cầu Việt
Cũng theo ông Hòa, cầu Năm Căn được thi công trong điều kiện rất phức tạp về địa hình, địa chất thủy văn của miền Tây Nam Bộ. Cầu có kết cấu nhịp lớn, thi công trong vùng nước mặn, đáy sông sâu gần 19m so với mực nước thi công, địa chất tầng phủ rất yếu với trên 30 m bùn. Hệ móng cọc khoan nhồi trụ chính với đường kính 1,8m sâu tới 101m. Toàn bộ máy móc thiết bị vật tư, nhân lực đề phải vận chuyển bằng đường thủy tới công trường, không có đường bộ.
“Khó khăn là vậy, nhưng với sự quyết tâm cao nhất của các nhà thầu, sau 18 tháng thi công quyết liệt và khẩn trương, vượt qua nhiều gian nan, sáng tạo của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao của các nhà thầu, cầu Năm Căn và các cây cầu và tuyến đường nối từ thị trấn Năm Căn tới cầu Năm Căn chính thức được khánh thành, thông xe và đưa vào sử dụng, vượt tiến độ nhiều tháng. Điều này đánh dấu những bước tiến vượt bậc của những người thợ cầu đường Việt Nam trong quản lý điều hành, trong tổ chức xây dựng với tư cách là những nhà thầu chuyên nghiệp. ở trình độ cao, nêu cao ý thức trách nhiệm của mình với dự án, thi công dự án vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng và mỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Hòa nói.
Trong bối cảnh nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho các dự án giao thông còn hạn hẹp, cùng với việc khánh thành nhiều dự án giao thông trong thời gian gần đây, việc các công trình trên tuyến được khánh thành đưa vào sử dụng hôm nay là minh chứng sinh động trong việc thực hiện sáng tạo các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, tinh thần quyết liệt, chủ động, tích cực, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn nhằm phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông. Dự án này càng có ý nghĩa bởi nó góp phần từng bước hoàn thiện huyết mạch giao thông quan trọng nối con đường lịch sử mang tên Bác, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, khai thác tiềm năng du lịch của vùng đất Mũi - vùng đất và người đậm chất văn hóa của Miền Tây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận