Hạ tầng

Khánh thành QL217, từ TP Thanh Hóa lên cửa khẩu Na Mèo chỉ 3-4 tiếng

15/06/2020, 07:24

Dự án QL217 đưa vào khai thác không chỉ có ý nghĩa lớn đối với Thanh Hóa mà còn giữ vai trò quan trọng với sự phát triển chung của khu vực.

img
Dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 dài 47km đã hoàn thành sau gần 2 năm thi công

Ngày 16/6, Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2, mở toang tuyến đường kết nối từ khu kinh tế biển Nghi Sơn đi các huyện vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và kết nối với nước bạn Lào.

Thênh thang đường lên cửa khẩu Na Mèo

Vài năm trước, ai từng một lần trải nghiệm hành trình trên QL217 từ trung tâm tỉnh Thanh Hóa đi các huyện miền núi phía Tây, đến tận điểm cuối là cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn) không khỏi rùng mình bởi độ nguy hiểm của cung đường này. Hồi đó, QL217 dài gần 200km, sau hàng chục năm khai thác, mặt đường chỉ vừa đủ cho hai xe ngược chiều tránh nhau, đã xuống cấp trầm trọng, đầy ổ voi, ổ gà, vết vá chằng chịt.

Đáng sợ hơn, trên tuyến có rất nhiều khúc cua tay áo, bên núi cao, bên vực thẳm, bất kể phương tiện nào chủ quan đều rất dễ bị “tử thần” gọi tên. Thậm chí, nhiều người còn ví QL217 giống như một “cung đường chết”, bởi hàng năm rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng.

Nỗi ám ảnh của hành khách trên cung đường này phần nào vơi bớt khi đầu năm 2016, Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 của dự án nâng cấp QL217 đoạn từ huyện Quan Sơn đến huyện Cẩm Thủy với chiều dài 94,7km (tổng mức đầu tư 1.899 tỷ đồng) bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đến đầu năm 2018, Bộ GTVT tiếp tục “chọn mặt gửi vàng” giao Ban QLDA Thăng Long triển khai nâng cấp 47km thuộc giai đoạn 2 của dự án đầu tư nâng cấp QL217 qua địa bàn 3 huyện: Hà Trung, Cẩm Thủy và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Dục, Trưởng phòng điều hành dự án 4 (PMU Thăng Long) cho biết, dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 bao gồm phần tuyến chính dài 44,6km và phần nút giao vượt đường sắt Bắc - Nam và QL1A dài 2,4km. “Đến nay, sau gần hai năm thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nhà tài trợ vốn, dự án đã hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để đưa vào vận hành, khai thác”, ông Dục nói.

Theo ông Dục, trước khi được nâng cấp, tuyến QL217 là đường cấp V miền núi đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn nền đường chỉ rộng 5,5m, vừa đủ để hai xe ngược chiều tránh nhau. Giờ đây, toàn tuyến QL217 đã được nâng cấp lên đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường 8m, đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 60 - 80km/h.

“Trước kia, đi từ TP Thanh Hóa lên tới cửa khẩu Na Mèo vất vả vô cùng, phải mất cả ngày mới lên tới nơi, nguy hiểm trên đường luôn rình rập. Bây giờ, dự án đã hoàn thành cả hai giai đoạn, thời gian đi lại rút xuống chỉ còn khoảng 3 - 4 tiếng, phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn, không phải nơm nớp lo sợ như trước kia”, ông Dục nói.

Kết nối thông thương, đảm bảo an ninh quốc phòng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, QL217 là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông các huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, QL217 còn đóng vai trò kết nối thông thương giữa Khu kinh tế biển Nghi Sơn, trung tâm TP Thanh Hóa với Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Các gói thầu của dự án đã hoàn thành đúng thời gian của hợp đồng, tất cả hạng mục công trình đã được thi công và nghiệm thu theo trình tự. Trong quá trình thi công, nhà thầu luôn tuân thủ công tác bảo đảm an toàn lao động, không để xảy ra trường hợp tai nạn nào trong suốt thời gian thi công dự án. Đến nay, dự án đảm bảo đủ điều kiện để đưa vào khai thác sử dụng.
Ông Kim Han Kyui, Giám đốc điều hành Liên danh Tư vấn giám sát Kunhwa-Jinwoo (Hàn Quốc)

Bên cạnh đó, QL217 còn có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

“Tuyến QL217 kết nối với đường vành đai tuần tra biên giới, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông để đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhất là đồng bào thuộc khu vực các xã giáp biên giới trên địa bàn huyện Quan Sơn. Cuộc sống mưu sinh của đồng bào được đảm bảo sẽ tạo thuận lợi cho quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới.

Việc hoàn thành nâng cấp QL217 không chỉ là ước nguyện của bà con mà còn là niềm mong mỏi của biết bao thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua nhiều thời kỳ. Chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc đầu tư nâng cấp dự án QL217 để đưa tuyến đường vào khai thác thông suốt, an toàn, đáp ứng tính cấp thiết trước mắt và lâu dài”, ông Diến chia sẻ.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 được đầu tư bằng nguồn vốn vay của ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 1.673 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay là 1.521 tỷ đồng (tương đương 71,14 triệu USD), phần còn lại là nguồn vốn đối ứng 152,3 tỷ đồng.

Theo ông Roãn, dự án QL217 hoàn thành, đưa vào khai thác không chỉ có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Thanh Hóa mà còn giữ vai trò quan trọng với sự phát triển chung của khu vực.

“Tuyến QL217 kết thúc tại cửa khẩu Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) thông thương với cửa khẩu Nậm Soi (tỉnh Hủa Phăn, Lào) và liên kết với các tuyến đường 6, 6A, 6B phía Lào, tạo kết nối vùng Bắc Trung bộ của Việt Nam với vùng Đông Bắc Lào, là điều kiện để hàng hóa từ các cảng biển Việt Nam (Nghi Sơn, Hải Phòng, Vũng Áng…) thông thương sang Lào và các nước trong khu vực Tiểu vùng Mê Kông”, ông Roãn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.