Chiều 17/3, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc như Vụ Thị trường trong nước, Cục Công nghiệp, Tổng cục Quản lý thị trường,… họp bàn với đại diện các doanh nghiệp dệt may về hoạt động sản xuất khẩu trang chống dịch Covid-19.
Theo đó, vấn đề cần giải quyết là việc kết nối giữa nhà sản xuất đến nơi tiêu thụ làm sao để không bị tăng giá khâu lưu thông đến tay người dân. Bên cạnh đó, phương án để hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp rủi ro cũng cần được tính toán để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Trao đổi tại cuộc họp, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, lượng khẩu trang có thể cung cấp ra thị trường đến hết tháng 3/2020 là khoảng 57 triệu chiếc. Năng lực sản xuất của 20 doanh nghiệp trong ngành là 1,1 triệu chiếc/ngày.
Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có khả năng cung ứng lớn nhất với năng lực khoảng 19 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn. Ngoài ra, có một số công ty như Havico với năng lực khoảng 8 triệu chiếc hoặc công ty may 28 là 7 triệu chiếc.
"Có thể khẳng định chúng ta không thiếu nguyên liệu sản xuất khẩu trang vải và vải kháng khuẩn. Nguyên nhân thiếu khẩu trang trong thời gian vừa qua là do thiếu sự cân đối nhịp nhàng giữa cung và cầu và thiếu thông tin về các nhà cung ứng, điểm bán trên thị trường cho người dân". Ông Hoàn khẳng định.
Đại diện cho những doanh nghiệp dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định: Năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam rất lớn và là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Do đó, việc cung cấp khẩu trang cho người dân trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng không phải vấn đề đáng lo.
Theo ông Cẩm, nếu chúng ta đặt ra được yêu cầu, nhu cầu là bao nhiêu, kết nối được sản xuất và tiêu thụ thì sẽ giải quyết được việc cung cấp khẩu trang cho người dân.
Đối với các đơn vị dệt may, khi có yêu cầu thì không chỉ Dệt kim Đông Xuân mà các đơn vị may cũng đều vào cuộc sản xuất lượng lớn. Thậm chí, trong giai đoạn nước ta khống chế dịch rất tốt thì các doanh nghiệp lại có nỗi lo là không biết tiêu thụ đi đâu. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp đều rất cần sự kết nối giữa yêu cầu và sản xuất.
Tuy nhiên, ông Cẩm cho rằng cần sự hỗ trợ của nhà nước trong những trường hợp rủi ro: “Chúng tôi cho rằng cần có một cơ quan có thể sử dụng gói hỗ trợ của nhà nước. Như trong Chỉ thị 11 có ghi rõ gói hỗ trợ là khoảng 30.000 tỷ; Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến đưa vào gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ. Những khoản này có thể gánh rủi ro cho doanh nghiệp trong trường hợp sản xuất ra mà lâm vào tình trạng hàng tồn kho. Nếu được như vậy thì các doanh nghiệp sẽ hoàn toàn có thể sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu về khẩu trang của người dân”.
Trước đề nghị trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ sớm có báo cáo Chính phủ nhằm nhận diện các khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh. Cần phải tính đến cả sau khi dịch kết thúc, những khó khăn đặt ra như thế nào? Trước mắt, trong hai đến ba ngày tới, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo Chính phủ đề xuất các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và dệt may nói riêng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận