Thông điệp liên bang cuối cùng của ông Obama nhấn mạnh vào di sản hai nhiệm kỳ Tổng thống. |
Sáng 13/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc Thông điệp liên bang cuối cùng trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ trên cương vị Tổng thống. Phần lớn thông điệp nhấn mạnh tới những thành tựu trong hai nhiệm kỳ vừa qua và đưa ra con đường nước Mỹ nên chọn trong tương lai.
4 câu hỏi lớn cho người kế nhiệm
Mở đầu Thông điệp, ông Obama tuyên bố không muốn nói về năm tới mà muốn tập trung vào 5 - 10 năm tới và xa hơn nữa; hay nói cách khác, muốn hướng tới tương lai nước Mỹ. Theo ông Obama, nước Mỹ đang sống trong thời đại thay đổi và thời đại này có thể mở ra cơ hội hoặc khiến bất bình đẳng gia tăng.
Ông Obama nêu ra bốn câu hỏi lớn mà nước Mỹ phải trả lời bất kể Tổng thống kế tiếp là người nào hay phe nào. Thứ nhất, làm thế nào để mang lại cho mỗi người dân Mỹ sự công bằng về cơ hội và an ninh trong nền kinh tế mới. Thứ hai, làm thế nào để công nghệ phục vụ chứ không phải chống lại chúng ta, đặc biệt là trong việc giải quyết các thách thức khẩn cấp như biến đổi khí hậu. Thứ ba, làm thế nào để nước Mỹ an toàn và dẫn dắt thế giới mà không trở thành cảnh sát toàn cầu; Và cuối cùng, làm thế nào để chính trị của nước Mỹ phản ánh những điều tốt đẹp nhất chứ không phải xấu xa nhất.
Để trả lời các câu hỏi này, theo ông Obama, nước Mỹ cần sửa đổi nền chính trị hiện nay: “Tương lai mà chúng ta mong muốn là cơ hội và an ninh cho các gia đình, tiêu chuẩn sống được nâng cao và một thế giới hòa bình, bền vững cho con cháu chúng ta, tất cả đều trong tầm tay của chúng ta. Nhưng điều này chỉ diễn ra nếu chúng ta cùng hợp sức, chỉ diễn ra nếu chúng ta có những cuộc tranh luận sáng suốt và mang tính xây dựng. Điều này chỉ diễn ra nếu chúng ta sửa đổi nền chính trị”.
Về đối ngoại, Tổng thống Obama nhấn mạnh, nước Mỹ đang đi đúng hướng khi khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn nửa thế kỷ theo đuổi những chính sách thất bại, lỗi thời và nhấn mạnh “50 năm cô lập Cuba đã khiến nước Mỹ tụt hậu trong khu vực Mỹ Latinh”. Ông Obama cũng nhắc tới việc Mỹ rút khỏi hai cuộc chiến tranh hao tiền tốn của tại Iraq và Afghanistan.
Về cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội Mỹ trao cho ông quyền sử dụng sức mạnh quân sự để tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) – những kẻ giết người và cuồng tín. Ông Obama cũng tiếc nuối một số vấn đề còn tồn tại trong những năm ông cầm quyền, đặc biệt là những mâu thuẫn và hoài nghi giữa các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ này trong thời gian còn tại nhiệm.
Nhấn mạnh các di sản
Tuy nhiên, các nghị sĩ phe Cộng hòa chỉ trích thông điệp liên bang năm nay không đưa ra được giải pháp cụ thể cho những vấn đề tồn đọng và nó đang tiếp tục đẩy nước Mỹ vào vị thế ngày càng yếu ớt hơn không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài.
Bài phát biểu ngày hôm nay rất quan trọng. Tổng thống đã nhắc chúng ta nhớ lại rằng, chúng ta không sợ thay đổi, mà nên sử dụng nó để cải thiện cuộc sống của người dân Mỹ”. Ông Bernie Sanders, ứng viên Tổng thốngcủa đảng Dân chủ |
Thống đốc bang Nam Carolina, bà Nikki Haley của Đảng Cộng hòa cho rằng, ông Obama chỉ “nói là giỏi”: “Thật không may mắn, các thành tựu của Tổng thống kém xa so với những lời phát biểu hùng hồn của ông”. Còn ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump chê Thông điệp Liên bang của Obama là “một trong những bài phát biểu tẻ nhạt, lan man và lỏng lẻo nhất mà tôi từng nghe trong suốt một thời gian dài”.
Theo kết quả thăm dò dư luận do Hãng tin Mỹ CNN/ORC công bố sau đó, Thông điệp Liên bang cuối cùng cho thấy 53% số người được hỏi đánh giá tích cực, 20% đánh giá tích cực một phần và chỉ 20% cho là tiêu cực. Phần lớn những người được hỏi cũng khẳng định, các chính sách mà ông Obama đề ra sẽ đưa nước Mỹ đi đúng hướng. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ chỉ ở mức 68%, thấp hơn mức 72% so với năm ngoái.
Điều đáng buồn cho ông Obama là có tới 48% cho rằng, hai nhiệm kỳ cầm quyền của ông không đáp ứng kỳ vọng của họ. Chỉ 33% sự hài lòng và 18% khẳng định, 7 năm cầm quyền vừa qua vượt quá kỳ vọng. Giới phân tích cho rằng, Thông điệp Liên bang được trông đợi của ông Obama lần này quá tập trung nhấn mạnh các di sản của mình mà quên không nhắc đến các chủ đề rất nhạy cảm được dư luận quốc tế quan tâm hiện nay như việc Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch hay các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải tại nhiều khu vực vốn được xem là điểm nóng thời gian qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận