Có mặt tại khu vực lễ khởi công dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ từ rất sớm, anh Trịnh Mạnh Cường (thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) cho biết, anh làm nghề mộc còn vợ anh làm công nhân một công ty trên địa bàn.
Anh Cường rưng rưng cho biết, mảnh đất gia đình anh vốn ở khu vực dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đang tiến hành lễ khởi công xây dựng.
“Là một trong những hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng và tái định cư khi thời điểm Tết Quý Mão 2023 đang cận kề, vợ chồng tôi cũng có chút băn khoăn. Tuy nhiên, để kịp tiến độ triển khai dự án, vợ chồng tôi đã quyết định đi thuê nhà ở tạm để sớm bàn giao mặt bằng”, anh Cường chia sẻ.
Rất đông người dân có mặt từ rất sớm chờ chứng kiến giây phút khởi công dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ tại Quảng Trị
Anh Cường cũng là một trong những hộ ở Cam Lộ sớm bàn giao mặt bằng, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Quyết định khen thưởng và trao Bằng khen tại lễ khởi công dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh Cam Lộ trong ngày đầu năm mới 2023.
Cầm trên tay tấm Bằng khen nhìn về hướng cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa khánh thành đưa vào khai thác, ông Nguyễn Văn Hà (thôn Trường Thọ) và ông Nguyễn Huề (thôn Trường Trí, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng rưng rưng xúc động.
Ông Hà cho biết, vợ chồng ông có 3 đứa con, mọi trang trải cuộc sống gia đình bao năm qua cũng như nuôi con 2 đứa con đang học THPT, đại học đều nhờ vào cây cao su. Ngoài vài miếng nằm nhỏ lẻ, diện tích lớn nhất gần 1 hecta của gia đình ông bị ảnh hưởng khi dự án cao tốc triển khai.
“Giá cả đền bù hỗ trợ cũng tương đối thôi, quan trọng là vì chủ trương, vì công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh nên chúng tôi đã đồng thuận sớm bàn giao mặt bằng để xây dựng công trình”, ông Hà chia sẻ.
Dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ qua tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài 65,7km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Trị có chiều dài 32,53km, đi qua địa bàn các huyện Vĩnh Linh 14,25km, Gio Linh 11,9km và Cam Lộ 6,38km.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam và Lê Đức Tiến trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho 25 hộ dân tại các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đã sớm bàn giao mặt bằng dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ quan địa bàn
Địa điểm tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc Vạn Ninh Cam - Lộ ở khu vực giao với Km10+380 QL9 thuộc xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) là điểm cuối của dự án này, đồng thời là điểm đầu dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa được khánh thành đưa vào khai thác.
Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, cùng với công tác GPMB dự án đang gấp rút được triển khai, ngay sau khi tỉnh Quảng Trị thống nhất phương án lựa chọn vị trí trên để khởi công xây dựng công trình, huyện Cam Lộ đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận chủ trương sớm bàn giao mặt bằng.
Lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ cũng cho biết, cùng với dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian hành trình vào Huế, Đà Nẵng góp phần phân lưu, giảm tải lưu lượng cho QL1 cũng như QL9 đoạn từ Cam Lộ về TP Đông Hà... Dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đã khởi công xây dựng, khi hoàn thành tăng kết nối thông thương, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội...
Tại khu vực kết nối tuyến và nút giao liên thông mở ra triển vọng rất lớn, huyện đã tiến hành quy hoạch một số khu dịch vụ kho bãi, thương mại, dịch vụ kết hợp dừng nghỉ, ăn uống và công nghiệp, sân golf cũng cách khu vực này khoảng 500m...
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu XL01 được trao cho liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 368. Liên danh được trao gói thầu xây lắp XL02 được trao cho liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh - Công ty CP giao thông xây dựng số 1 - Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt.
Gói thầu XL1 thi công xây dựng đoạn Km675+400 - Km708+350 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có chiều dài gần 33 km, giá trị 3.361 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.020 ngày (34 tháng). Phạm vi công việc chính của gói thầu gồm công trình giao thông đường bộ cấp I, cầu đường bộ cấp III. Gói thầu XL2 thi công xây dựng đoạn Km708+350 - Km740+884,83 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) với chiều dài hơn 32,5 km, giá trị gói thầu 3.480 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 1.020 ngày (34 tháng). Phạm vi công việc chính của gói thầu gồm công trình giao thông đường bộ cấp I, cầu đường bộ cấp II, cấp III.
Lễ khởi công đồng loạt tại 12 dự án/ 9 tỉnh, trong đó dự án đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ tại Quảng Trị được kết nối trực tuyến giữa các điểm cầu với điểm cầu trung tâm.
3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ).
Trong đó, điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) với sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm) Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm).
Việc tổ chức Lễ khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là sự kiện lớn không chỉ của riêng ngành GTVT mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, tạo không khí phấn khởi, tích cực thi đua lao động đối với cán bộ, công chức viên chức, người lao động toàn ngành GTVT ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, sau lễ khởi công, các nhà thầu sẽ triển khai các công việc để thi công ngay dự án bám sát các mốc tiến độ yêu cầu.
Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cần tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc để triển khai thi công đồng loạt các dự án bảo đảo tiến độ, chất lượng, an toàn. Các địa phương cần tích cực triển khai GPMB các diện tích còn lại để bảo đảm bàn giao toàn bộ trong quý II/2023; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công trong việc cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận