Chuyện dọc đường

Khi áp lực với thầy cô không chỉ là cơm áo, gạo tiền

16/11/2021, 08:40

Nhiều học sinh giỏi bây giờ có xu hướng không chọn ngành sư phạm. Lý do rất đơn giản, đó là mức lương của ngành này quá thấp...

Tôi bất ngờ nhận được bức ảnh do cô học trò cũ gởi qua zalo. Bức ảnh chụp số tiền lương tháng đầu tiên cô nhận khi chính thức được tuyển dụng vào giảng dạy tại một trường tiểu học.

Trong ảnh, kèm với những tờ tiền nhiều mệnh giá, là tờ giấy nhỏ ghi chiết tính số tiền. Theo đó, cô giáo trẻ nhận được tiền lương tháng đầu tiên chưa tới hai triệu ba trăm ngàn đồng.

img

Học online giữa mùa dịch Covid-19 ở Cần Thơ.

Để có thể đứng vào đội ngũ viên chức, người giáo viên phải trải qua quá trình học tập miệt mài suốt 3 hoặc 4 năm ở trường sư phạm. Ra trường, họ còn phải vật lộn với một kỳ thi khác cũng rất cam go, đó là kỳ thi tuyển viên chức giáo dục.

Do sinh viên sư phạm những năm gần đây ra trường đông, mà chỉ tiêu tuyển dụng viên chức tại các cơ sở giáo dục chính quy thì ngày càng ít đi, vì vậy, để được tuyển dụng, các ứng viên phải thi tuyển theo hình thức loại trừ nhau.

Có những trường chỉ tuyển một chỉ tiêu nhưng đến mười người nộp hồ sơ. Đương nhiên chỉ có một người may mắn trúng tuyển, chín người còn lại phải ngậm ngùi đợi kỳ thi tuyển năm sau, hoặc đành bỏ dở giấc mơ phấn trắng bảng đen, đi làm những công việc không đúng với chuyên ngành đã học.

Khó khăn là vậy, nhưng nhìn đồng tiền lương họ nhận được, chúng ta không tránh khỏi cảm giác xót xa. Nhiều thầy cô giáo cho biết, tiền lương của họ không đủ để xoay sở cuộc sống hằng ngày. Nếu giáo viên nào may mắn được đi dạy gần nhà thì chi phí sẽ thấp hơn.

Riêng các giáo viên đi dạy xa nhà, phải ở trọ hoặc ở nhà công vụ, thì số tiền lương đó không đủ trang trải. Hàng tháng, người nhà cũng phải chu cấp thêm một ít chi phí thì họ mới đủ xoay xở.

Nhiều học sinh giỏi bây giờ có xu hướng không chọn ngành sư phạm. Lý do rất đơn giản, đó là mức lương của ngành này quá thấp.

Câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” của thời xa xưa giờ lại đúng hơn bao giờ hết. Thử hỏi, một xã hội sẽ phát triển như thế nào nếu ngành giáo dục thiếu những người tài giỏi và tâm huyết?

Cũng phải thấy rằng, hiện nay vẫn còn nhiều giáo viên rất tận tâm với nghề. Đối với họ, lương bổng không phải là tất cả, mà được đứng trên bục giảng, được sống trọn vẹn với đam mê, được dạy dỗ học trò nên người chính là niềm hạnh phúc với những thầy cô này.

Thế nhưng, dù có cháy bỏng cùng đam mê, dù có bỏ qua những lợi ích về vật chất để tận hiến cho giáo dục, thì các thầy cô giáo vẫn mong nhận được cái nhìn công bằng của xã hội về nghề sư phạm.

Hiện nay, người giáo viên phải đối mặt với hàng trăm thứ áp lực hữu hình và vô hình.

Lên lớp, giáo viên vừa đảm bảo chuyên môn vừa phải “cảnh giác” với học trò của mình. Chỉ cần một hành động hay câu nói vô tình thiếu chuẩn mực mà học sinh ghi nhận được, người giáo viên có thể bị kỷ luật, thậm chí bị đuổi khỏi ngành.

Xã hội không cho phép người giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực, dù trong hay ngoài nhà trường. Chưa kể đến, hàng đống hồ sơ sổ sách, giáo án lúc nào cũng đè nặng lên đôi vai của người giáo viên.

Ai trong chúng ta cũng mong con em mình được giỏi giang, mong xã hội ngày càng phát triển. Và chúng ta có quyền kỳ vọng, thậm chí yêu cầu đội ngũ giáo viên phải thực sự xuất sắc để cầm trịch sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Nhưng, mấy ai trong chúng ta chịu dành chút thời gian để nghĩ về những khó khăn mà giáo viên đang phải ngày ngày đối mặt. Những khó khăn về vật chất thì người thầy có thể vượt qua, bởi họ đã chọn nghiệp trồng người thì chắc họ không mong cầu nhiều về vật chất.

Song, những khó khăn và áp lực về tinh thần thì người giáo viên luôn mong muốn xã hội thấu hiểu và sẻ chia. Có như thế, họ mới an tâm, mới cảm thấy ấm lòng mà tận hiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.