Xã hội

Khi bác sĩ, tiến sĩ kinh tế đam mê viết báo

21/06/2022, 12:35

Mỗi người một công việc, một lĩnh vực khác nhau song cả hai đều có điểm chung là đam mê viết báo, chia sẻ kiến thức giúp ích cho cộng đồng.

Bén duyên nghề viết với góc nhìn lạ

BS. Trần Văn Phúc (SN 1973), tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội (niên khóa 1993 - 1999) và về công tác tại Bệnh viện Đa khoa SaintPaul Hà Nội cho tới nay. Hiện anh làm việc tại Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, thuộc Bệnh viện Đa khoa SaintPaul.

img

BS. Trần Văn Phúc (ngoài cùng bên trái) với vai trò MC trong chương trình “Chuyện khó nói” trên VTVcab 7

Vẫn luôn nhận mình chỉ là “Bác sĩ XQ hạng 3 với kiến thức còn hạn hẹp”, nhưng các bài viết của BS. Trần Văn Phúc luôn có góc nhìn “đi trước, đón đầu” và thu hút bạn đọc.

Nhiều người vẫn nghĩ sinh viên ngành Y thường khô khan vì áp lực rất lớn, chỉ “học với học”. Tuy nhiên, với tôi, bệnh viện là một xã hội thu nhỏ.
Tôi bắt đầu lấy cảm hứng viết từ mỗi bài giảng y khoa, từ cái chết đau thương của em bé bị viêm phổi, từ thời gian nằm viện dài ngày của một bệnh nhân ung thư, hay tiếng khóc thút thít của các cô gái trẻ trong phòng khám sản phụ khoa, thậm chí là cuộc sống kì lạ phía sau bức tường của những bệnh nhân tâm thần.

Bác sĩ Trần Văn Phúc


Bên cạnh các bài viết được nhiều tòa soạn đặt hàng, đều đặn trên Facebook cá nhân của mình, anh luôn có nhiều bài về thể hiện quan điểm, những ý kiến đóng góp với các vấn đề của ngành, xã hội, cùng nhiều bài viết tư vấn sức khỏe vô cùng hữu ích với cộng đồng.

Vẫn còn nhớ khi cả nước “đi đâu cũng yêu cầu test Covid-19”, BS. Trần Văn Phúc là một trong những người đầu tiên chia sẻ bài viết “Cần thay đổi quan điểm dịch bệnh Covid-19”.

Trong đó, ông thể hiện quan điểm: Chỉ test những ca có triệu chứng, không test tràn lan vì sẽ gây khan hiếm kit test, khủng hoảng trầm trọng nguồn nhân lực.

Bài viết nhận được sự chia sẻ cũng như tham góp ý kiến từ ủng hộ đến phản bác.

Sau bài viết chừng hơn 1 tháng, chính sách chống dịch trên toàn quốc đã có sự chuyển mình rõ ràng, dỡ bỏ các quy định cứng nhắc, bước sang “thích ứng và phát triển kinh tế - xã hội” sau đại dịch.

Tương tự, những bài viết khuyến cáo nhận diện, tránh bị lạm dụng điều trị các bệnh lý “hậu Covid-19” của BS. Phúc là những thông tin khoa học giải tỏa phần nào những lo lắng thái quá trước bệnh dịch của nhiều người.

Bén duyên với nghề viết từ năm 2002, BS. Phúc không thể nhớ hết mình đã viết bao nhiêu bài báo. Thời gian gần đây, ngoài viết báo anh quyết định quay trở lại Facebook với tần suất đăng bài tương đối đều đặn.

Không ít người thắc mắc, thời gian nào để bác sĩ bận rộn như anh lại liên tục viết được bài?

“Thực tế, tôi không có thời gian dài để viết, nhưng lại luôn có thời gian để ghi lại những điều cần ghi chú. Rất nhiều những ghi chú là khởi đầu cho một câu chuyện hấp dẫn, hay một chủ đề quan trọng, cuối cùng là một bài báo”, anh lý giải.

“Cách tôi viết là cài đặt sẵn một chiếc máy tính ở trong đầu, nó giúp tôi viết những bài báo ở trong trí tưởng tượng, đó là khi tôi đang di chuyển từ khoa này đến khoa kia, hoặc trong lúc đang lái xe, ngay cả khi đang cập nhật một kiến thức mới về y khoa, thậm chí là trong bữa ăn.

Tôi làm việc với tốc độ cao nhất có thể, bệnh nhân của tôi nằm lên giường trong khi tôi đang ở giữa một câu văn. Tôi cứ viết như thế, cho đến khi có thời gian, hoặc cuối ngày ngồi vào máy tính, thì tôi chỉ việc sử dụng đôi bàn tay để gõ nó ra thành những kí tự cụ thể”, BS. Phúc kể.

Ngoài viết báo, BS. Trần Văn Phúc hiện còn đảm đương thêm vị trí MC chương trình “Chuyện khó nói”, phát sóng trên VTVcab 7 vào các tối thứ 2, 4, 6 hàng tuần.

Viết báo để đưa khoa học đến với công chúng

img

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

Tính đến nay, TS. Trần Hữu Hiệp - chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của ĐBSCL đã có hàng nghìn bài viết đăng tải trên các tờ báo Trung ương và địa phương. Lĩnh vực giao thông cũng được ông đặc biệt quan tâm, nhiều bài viết được đông đảo người đọc đón nhận.

“Là một người nghiên cứu, tôi luôn mong muốn sản phẩm lao động của mình được đến với công chúng để có thể góp một phần công sức cho sự phát triển của vùng ĐBSCL - nơi tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó máu thịt”, ông lý giải về đam mê viết báo của mình. Hơn thế, qua các bài báo, ông cũng muốn nhận được những sự phản biện.

Theo TS. Hiệp, những tác phẩm, công trình nghiên cứu được dư luận đón nhận, cơ quan chức năng vào cuộc để xem xét về tính khả thi, hoặc triển khai thực hiện một vấn đề nào đó… là niềm vui lớn nhất của ông.

Vừa nghiên cứu khoa học, vừa viết báo, ông Hiệp cho rằng, giữa nhà nghiên cứu và nhà báo, tuy khác biệt nhưng cũng có điểm tương đồng.

“Ví dụ như để nghiên cứu về biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt nguồn nước phía thượng nguồn châu thổ Cửu Long, các nhà khoa học có thể mất nhiều năm “lặn ngụp” với dòng Mekong; chung sống với cư dân bản địa để nắm bắt, thu thập thông tin, dữ liệu một cách chân thật nhất.

Cũng nội dung này, để có bài viết chân thật và sâu sát nhất, các nhà báo phải lặn lội suốt dòng Mekong, thậm chí là bất chấp nguy hiểm để thu thập thông tin, nếu quá trình tác nghiệp họ phát hiện thêm những vấn đề tiêu cực”, ông dẫn chứng.

Ngoài ra, mục đích chung của công trình nghiên cứu hay tác phẩm báo chí đều mang “tính xây dựng”. Nhà nghiên cứu tiếp cận một vấn đề hoặc báo chí phản ánh một vụ việc đều mong muốn câu chuyện đó tốt đẹp hơn.

Không phải là nhà báo chuyên nghiệp, song TS. Hiệp cũng chia sẻ, ông cảm nhận được sự cạnh tranh khốc liệt của báo chí và mạng xã hội hiện nay.

Để cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí hiện nay, nhất là đội ngũ làm báo trẻ đã chạy đua với tốc độ, thời gian để thông tin một vụ việc nóng được gửi về tòa soạn rồi xuất bản nhanh nhất có thể.

Từ thực tế này, việc tiếp cận thông tin các vụ việc, sự kiện đôi khi rất hời hợt, dẫn đến chuyện báo chí ngày nay không còn nhiều những tác phẩm mang tính chuyên sâu, giữ người đọc ở lại lâu hơn trên mặt báo.

“Đặc thù của đội ngũ phóng viên, nhà báo, do tính chất phân công lao động trong tòa soạn, luôn “sống” ở đầu nguồn tin tức. Họ kịp thời phát hiện những đề tài, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, có điều kiện quan sát, phân tích, lý giải thực tiễn, trên cơ sở đó mới có thể viết đúng, viết trúng và viết hay.

Nếu mất đi những tác phẩm như vậy, đồng nghĩa sẽ mất đi vai trò của báo chí trong định hướng phát triển xã hội”, ông cảm nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.