Chăm sóc bệnh nhân ở Trung Tâm đột quỵ bệnh viện Bạch Mai
Nhiều mũi dùi đang tập trung vào người đứng đầu bệnh viện nhưng nhìn ở một góc độ khác, đây là bài toán sớm muộn gì cũng xảy ra với các bệnh viện công, có điều nó xảy ra ở mức độ như thế nào mà thôi.
Hệ thống y tế công như con bò sữa đang bị bỏ đói không riêng gì ở Bệnh viện Bạch Mai mà tại các bệnh viện khác, nhiều bác sỹ lẳng lặng bỏ ra ngoài làm hoặc làm việc “chân trong, chân ngoài” để tăng thêm thu nhập.
Có bác sĩ ra bệnh viện tư được trả 150 triệu đồng/tháng, thấp cũng 60 triệu đồng trong khi ở lại bệnh viện danh tiếng tất tật thu nhập cứng chỉ 14 - 20 triệu đồng. Nhiều người muốn một môi trường mới, làm việc được trả lương thỏa đáng, có đất dụng võ và không phải lo nghĩ việc làm gì để có thêm thu nhập.
Vì vậy, việc bệnh viện công “mất người” là chuyện tất yếu phải đến.
Có điều, “chảy máu” quá nhiều bác sỹ giỏi sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai.
Bác sỹ giỏi chính là tài sản vô giá của khối bệnh viện Nhà nước và cũng là nguồn lực chủ yếu để khám chữa bệnh cho người dân với mức giá cơ bản phù hợp với thu nhập chung của xã hội. Quản lý yếu kém thì người thiệt thòi đầu tiên là người bệnh.
Vì vậy, câu chuyện này cần được các cơ quan quản lý đánh giá đúng và trúng nguyên nhân để có những giải pháp kịp thời. Không thể thay đổi cơ chế rồi để các bệnh viện tự bơi, chảy máu chất xám.
Nếu các bác sỹ ra đi đơn giản chỉ bởi thu nhập thấp hơn khi làm cho bệnh viện tư thì Bộ Y tế cần vào cuộc, cần có quy định ràng buộc với những người đã hưởng chi phí đào tạo, bồi dưỡng từ ngân sách.
Nếu các bác sỹ ra đi vì những lý do khác như môi trường làm việc, những bất ổn trong nội bộ thì lại là việc khác.
Phải nhìn nhận Bạch Mai đang ở thời kỳ vô cùng khó khăn. Khi lãnh đạo mới bước chân về bệnh viện thì cũng là lúc phải đóng cửa vì ổ dịch Covid-19, giảm doanh thu tới hơn 30% ngay trong năm đầu tiên thực hiện tự chủ hoàn toàn. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũ bị vướng vòng lao lý cũng ảnh hưởng tâm lý công tác, rồi trăm thứ lo cho đời sống, công việc của hàng ngàn cán bộ, trong khi giá viện phí vẫn không tính đúng tính đủ…
Ngồi ghế nóng như vậy không đơn giản chút nào. Nhưng càng như vậy càng cần cái tài và sự công tâm của người đứng đầu bệnh viện.
Điều Bạch Mai cần nhất lúc này là sự đồng lòng vượt qua khó khăn.
Xưa nay, công tác giữ cán bộ luôn vô cùng khó, bởi theo cơ chế thị trường “đói, đầu gối cũng phải bò”, kém thu nhập là người lao động ra đi.
Chỉ có thể giữ được họ khi ban lãnh đạo cho họ thấy một tương lai phát triển đúng hướng, một môi trường làm việc trân trọng người tài, trả công công bằng, xứng đáng, cho người lao động cơ hội phát triển, không chỉ ngắn hạn mà dài hạn.
Và quan trọng hơn là sự dân chủ về mọi hoạt động của bệnh viện từ giám đốc tới hộ lý. Công khai, minh bạch chính là động lực phát triển.
Thiết nghĩ, để bệnh viện công phát huy vai trò của mình trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân rất cần giữ được nhân lực giỏi.
Vấn đề đặt ra là trong cuộc chuyển mình tiến tới tự chủ hoàn toàn của các bệnh viện công, điển hình là Bạch Mai rất cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Để tiếp tục phát triển trên một cơ chế mới, có nhân lực đủ tài cũng là chưa đủ. Trong khi, nguồn nhân lực quan trọng nhất của bệnh viện là y, bác sỹ lại đang có rất nhiều tâm tư, nhiều người “dứt áo ra đi”.
Tài chưa đủ, sức chưa đủ thì phát triển thế nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận