Liên quan đến vụ việc gây rúng động dư luận những ngày qua khi một nhóm học sinh tại Trường THCS Văn Phú, xã Văn Phú gây rối, xúc phạm giáo viên, ngày 7/12, UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác đối với ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng nhà trường để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc liên quan đến công tác quản lý giáo viên, học sinh của trường.
Kết luận cuối cùng về vụ việc nói trên phải còn chờ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, dù ai đúng ai sai, để một chuyện như vậy xảy ra trong môi trường học đường là rất khó chấp nhận.
Hình ảnh cô giáo ở Tuyên Quang bị chính học sinh của mình nhốt trong lớp và thi nhau hành hung, xúc phạm, là chỉ dấu của một thực tế rằng bạo lực học đường đã không còn giới hạn.
Vị thế người thầy, vốn được đề cao như hoặc thậm chí còn hơn cả cha mẹ trong xã hội Việt Nam, đã không bảo vệ được cô giáo khỏi bạo lực từ những đứa trẻ mà chính cô dạy dỗ.
Bình luận về vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao nên nỗi? Tôi nghĩ câu hỏi đó chỉ là một cách cảm thán và thể hiện sự bất lực của họ trước thực trạng này. Còn câu trả lời, có lẽ ai cũng đã rõ.
Trong vài năm gần đây, tình trạng học sinh đánh nhau và quay clip tung lên mạng xã hội không còn là hiện tượng hiếm gặp.
Tôi thường xuyên theo dõi vấn đề bạo lực học đường nhưng lần nào xem các clip đó tôi cũng thấy kinh sợ. Tôi luôn tự hỏi: Tại sao cái ác lại xảy ra ở một nơi lẽ ra chỉ có những điều tốt đẹp?
Tôi kinh sợ vì thấy mức độ bạo lực trong trẻ em ngày càng gia tăng. Tôi khiếp hãi vì thấy một số đứa trẻ hả hê khi tung ra những đòn đánh cực kỳ hiểm ác vào thân thể non nớt của đứa trẻ nạn nhân, kèm theo đó là những lời chửi rủa thậm tệ.
Tôi hiểu vì sao những đứa trẻ nạn nhân có thể tìm đến cái chết, vì sao có đứa bị rối loạn tâm trí không thể phục hồi…
Sau mỗi vụ việc, dư luận lên tiếng, thể hiện sự bức xúc, cơ quan chức năng vào cuộc, nhà trường phê bình, kỷ luật… nhưng rồi sự việc tương tự vẫn cứ diễn ra, ở nhiều nơi, nhiều lúc.
Có một điều chắc chắn là trẻ con không sinh ra với bạo lực. Một số đứa trẻ bạo hành người khác vì học hỏi điều đó từ người lớn. Chúng chứng kiến cha mẹ hoặc hàng xóm của chúng bạo hành lẫn nhau, hoặc chúng bị chính cha mẹ hoặc người lớn khác bạo hành.
Tôi đã từng chứng kiến những ông chồng đánh vợ với những đòn tàn độc như đánh kẻ thù. Tôi cũng đã từng chứng kiến có ông bố đánh con không thương tiếc, ném con xuống giếng, tra tấn con bằng cách gí đầu thuốc lá đang cháy vào người nó. Tôi đã nghe có những bà mẹ mắng chửi con với những lời lẽ thậm tệ.
Ở một góc độ nào đó, mức độ bạo lực giữa trẻ con phản ánh mức độ bạo lực giữa người lớn, những thứ mà trẻ con đã nhìn thấy, nghe thấy rồi học theo.
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, câu chuyện giáo dục nhân cách cho trẻ đang có vấn đề. Ở đây có cả trách nhiệm của nhà trường lẫn gia đình và toàn xã hội.
Đã khi nào những người có trách nhiệm đặt câu hỏi rằng giữa việc chạy theo thành tích của các trường, của các thầy cô và chuyện giáo dục nhân cách, vấn đề nào được coi trọng hơn? Và hệ quả của nó là gì?
Từ góc độ gia đình, các bậc phụ huynh có khi nào tự nhìn nhận lại mình đã làm gương thế nào cho con em mình trong cuộc sống hàng ngày? Những đứa trẻ sẽ ra sao khi sống với những ông bố, bà mẹ hàng ngày ứng xử với nhau một cách thô bạo, thiếu văn hoá, bất chấp chuẩn mực đạo đức xã hội?
Bạo lực học đường không còn là chuyện nhỏ. Làm ngơ hoặc không giải quyết thấu đáo có thể khiến bạo lực ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều đứa trẻ sẽ coi bạo lực là cách giải quyết mâu thuẫn còn những đứa trẻ khác sẽ chấp nhận bạo lực như một phần không tránh khỏi của cuộc sống. Trường học sẽ trở thành nơi sản sinh và dung dưỡng bạo lực. Đây có phải là điều chúng ta có thể chấp nhận được?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận