Giữa lúc Hà Nội có gần 3 vạn ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, việc Bệnh viện Thanh Nhàn mở phòng khám F0 không chỉ giúp giảm tải cho y tế cơ sở, mà còn giúp nhiều F0 có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời.
Đây là bệnh viện đầu tiên của Hà Nội có dịch vụ này.
Khám Covid-19 cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn
Yên tâm hơn khi F0 được thăm khám trực tiếp
Một ngày giữa tháng 3, có mặt ở khu vực khám bệnh tại Phòng khám F0, Bệnh viện Thanh Nhàn, anh Nguyễn Trường Giang (36 tuổi, trú tại Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho hay, cách đây 10 ngày, mẹ anh sốt cao. Nghi ngờ mẹ mắc Covid-19 nên anh test nhanh và cho kết quả dương tính.
“Bà sốt cao khoảng 2 - 3 ngày thì dứt, bởi bà cũng tiêm đủ 3 mũi vaccine. Tuy nhiên, các triệu chứng ho vẫn dai dẳng, khiến bà rất mệt. Tôi cũng tham vấn các cán bộ tại trạm y tế phường nhưng không hiệu quả.
Dù đã sang ngày thứ 10 nhưng khi test nhanh, kết quả vẫn 2 vạch. Mẹ tôi đã 65 tuổi, lại có bệnh lý nền nên gia đình rất lo lắng. Để an tâm, tôi đã đưa mẹ đi khám ở Bệnh viện Thanh Nhàn, nếu có nguy cơ chuyển nặng bác sĩ sẽ cho nhập viện luôn”, anh Giang cho biết.
Cũng tại đây, vợ chồng anh Đỗ Anh Tuấn (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bế cô con gái mới chưa đầy 1 tuổi sốt cao 2 ngày không dứt đến khám.
Cả nhà anh có 5 người lần lượt mắc Covid-19. Khi 2 vợ chồng anh âm tính thì đến cô con gái út nhiễm bệnh.
“Ở nhà, cháu đã được uống thuốc hạ sốt như tư vấn của y tế phường nhưng không thuyên giảm. Cả đêm vợ chồng không dám ngủ, thấp thỏm chờ trời sang đưa con đến viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp cho yên tâm”, anh Anh Tuấn chia sẻ.
Trước đây, Bệnh viện Thanh Nhàn là bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, tiếp nhận điều trị cho F0 trung bình và nặng nên hạn chế thăm khám và nhận F0 triệu chứng nhẹ.
Tuy nhiên, khi ca Covid-19 trong thành phố lên gần 3 vạn mỗi ngày dồn áp lực lớn lên hệ thống y tế cơ sở, bệnh viện quyết định mở phòng khám cho tất cả các F0.
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Thu Hường, Phụ trách điều trị bệnh nhân Covid-19 (Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp), Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thời gian trước, khi chưa mở khu vực khám F0, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân nặng, vốn điều trị tại nhà nhưng không được theo dõi chặt chẽ, khi trở nặng mới được đưa vào viện. Trong khi đó, việc chậm trễ thăm khám và xét nghiệm có thể để lại hệ lụy đáng tiếc cho các F0.
“Khoảng tuần trước, bệnh viện tiếp nhận một nam bệnh nhân khoảng 41 tuổi, đã tiêm 3 mũi vaccine. Trước đó, bệnh nhân từng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Hà Đông, xuất viện sau 2 lần test âm tính.
Tuy nhiên chỉ ít thời gian sau, bệnh nhân tiếp tục tái nhiễm và điều trị tại nhà. Lần này, bệnh nhân thường thấy khó thở, nhất là mỗi khi phải đi cầu thang. Khi được đưa tới đây, đã xuất hiện tràn khí màng phổi 2 bên. May mắn bệnh nhân tới thăm khám và điều trị kịp thời, nếu không chưa biết chuyện gì xảy ra”, BS. Hường kể.
Gần một nửa F0 tới khám cần nhập viện
Theo BS. Hường, việc mở khu khám dành cho tất cả các F0 có nhu cầu giúp cơ sở y tế và bệnh nhân dễ dàng tiếp cận nhau.
Theo đó, sau thăm khám, bệnh nhân nhẹ sẽ được tư vấn an tâm điều trị tại nhà. Với bệnh nhân nặng sẽ được phát hiện sớm, cho bệnh nhân chuyển tầng nhập viện, tránh trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng khi đã muộn.
Việc các bệnh viện mở cửa tiếp nhận thăm khám cho F0 là rất cần thiết trong thời điểm cả nước có nhiều ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Việc này vừa giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế và vừa “chia lửa” cho trạm y tế phường xã.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn, chống lây lan dịch, cần tổ chức khu khám riêng, phân luồng riêng bởi trong các bệnh viện có các bệnh nhân mắc bệnh nền, bệnh nhân nặng… Còn với bệnh nhân F0 tới thăm khám cần chủ động phòng hộ theo quy tắc 5K, lưu ý di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế
Được biết, trung bình mỗi ngày tại Khu khám bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn có khoảng 70 - 80 F0 tới thăm khám.
Điều đáng nói, có tới 30 - 40% F0 tới khám tại đây cần có chỉ định nhập viện, trong đó có cả người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Sau vài ngày nhập viện, điều trị bệnh ổn định, bệnh nhân sẽ được đưa về nhà, tiếp tục cách ly, theo dõi.
Không chỉ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn duy trì việc thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý thông thường khác.
Chính vì vậy, khi phòng khám F0 được mở ra, câu hỏi đặt ra là việc phòng tránh lây nhiễm với các bệnh nhân bình thường khác được giải quyết ra sao?
BS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện đảm bảo việc phân luồng với F0 ngay ngoài cổng.
Sau khi xác định nhu cầu thăm khám, F0 được cán bộ y tế hướng dẫn đường đi riêng vào khu vực khám F0. Toàn bộ quy trình thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu, điện tim… việc cấp đơn thuốc, thanh toán dịch vụ y tế đều khép kín, bệnh nhân không ra khỏi khu vực khám bệnh.
Điều này giúp đảm bảo phòng tránh lây nhiễm chéo với các bệnh nhân thông thường.
BS. Nguyễn Thu Hường cho biết thêm, tại khu vực khám F0, bệnh viện bố trí 4 phòng khám đủ các chuyên khoa nội, sản, ngoại, nhi cùng thiết bị y tế đầy đủ để có thêm can thiệp sâu khi F0 tới thăm khám.
“Bệnh nhân Covid-19 dù nặng hay nhẹ cũng cần phải tiếp cận được y tế cơ sở.
Trong trường hợp chưa nhận được sự tư vấn từ cán bộ y tế, nếu có các dấu hiệu sốt ngày thứ 3 liên tục, khó thở hoặc ho nhiều… F0 nên vào viện thăm khám, xét nghiệm để kịp thời kiểm soát bệnh có nguy cơ chuyển nặng, nhất là với các bệnh nhân có bệnh lý nền như huyết áp cao, đái tháo đường…”, BS. Hường khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận