Ảnh minh họa |
Khảo sát tại cả 3 địa phương dự kiến xây dựng đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều cho thấy, giao dịch bất động sản tại đây đã trầm lắng, giá giảm mạnh. Hậu quả là, nhà đầu tư trót “ôm đất đặc khu” ở “đỉnh” cơn sốt trước đó giờ đứng trước nguy cơ lỗ nặng, nợ nần!
Thực tế này cho thấy, bên cạnh tìm kiếm các giải pháp xây dựng đặc khu có những thế mạnh đặc biệt, thu hút đầu tư, tạo ra sự đột phá về kinh tế xã hội, phần không nhỏ doanh nghiệp, người dân chỉ nhăm nhăm tìm kiếm cơ hội đầu cơ ngắn hạn, thậm chí chụp giựt từ nguồn lợi đất đai!
Khách quan mà nói, các doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn phải tìm kiếm mọi cơ hội tối đa hóa lợi nhuận. Việc họ khai thác cơ hội đầu tư “đất đặc khu” cũng thể hiện sự nhạy bén với thương trường. Và nếu Chính phủ không lùi thời gian trình dự án Luật Đặc khu tới kỳ họp tới để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện chính sách, thì đất tại 3 địa phương dự kiến xây dựng đặc khu sẽ còn tăng nóng, giúp những nhà đầu tư này đã “ăn đủ”.
Song, xét trên khía cạnh quản lý, các cơ quan có trách nhiệm và chính quyền địa phương phải nắm bắt được thực trạng đó, có biện pháp điều tiết kịp thời. Điều đó, không chỉ giúp hạn chế thiệt hại cho chính các nhà đầu tư, mà còn nhằm thiết lập trật tự thị trường, ngăn ngừa “bong bóng” bất động sản đặc khu.
Mục tiêu quan trọng hàng đầu của đặc khu, là thu hút khối ngoại rót tiền, công nghệ, nhân lực… vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, bên cạnh môi trường kinh doanh cởi mở, thông thoáng, thì phải giúp nhà đầu tư cơ hội tiếp cận các nguồn lực, nhất là cơ hội thuê đất lâu dài, giá cả hợp lý. Song, với tình trạng đua đầu cơ, đẩy giá đất lên cao như vừa qua, rõ ràng phá vỡ lợi thế của đặc khu, đi ngược lại mục tiêu “đất lành chim đậu”.
Không riêng với đặc khu, vấn đề quản lý nguồn lực đất đai cũng là một vấn đề đặt ra cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh bội chi ngân sách vẫn tăng cao; vốn vay vẫn khó tiếp cận và đắt đó khiến doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất, kinh doanh; các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán trồi sụt…, cả nền kinh tế vẫn đang nhìn bất động sản như một món ăn theo, một cơ hội kiếm lời theo cách có phần chụp giựt, hơn là nhìn dưới góc độ nguồn lực to lớn, cần đầu tư lâu dài, bền vững.
Và chừng nào thị trường còn mang nặng tâm lý này, chừng đó bất động sản sẽ còn nhiều những cơn sốt ảo – bởi giá không dựa trên giá trị thực sự mà trên cơ sở “ăn theo” chính sách, tâm lý đám đông, cộng với chiêu trò thổi giá củ cò mồi. Liền sau đó, “bong bóng” bất động sản tất yếu phải “xì hơi”, mà câu chuyện đất đặc khu là một dẫn chứng điển hình! Và khi đó, sẽ kéo theo những rủi ro, hệ lụy không nhỏ cho kinh tế - xã hội!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận