Lợi nhuận ngành dược phẩm hút các "ông lớn" điện máy, trong đó có Công ty CP đầu tư Thế giới di động (MWG) |
Tham vọng lợi nhuận trăm tỷ
Cuối tuần qua, Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (MWG) vừa chốt thời gian thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc nâng nguồn tài chính cho hoạt động thâu tóm các chuỗi bán lẻ từ 500 tỷ đồng lên gấp 5 lần là 2.500 tỷ đồng. Trước đó, tại buổi họp báo hồi đầu tháng này về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho hay, ngân sách này chủ yếu dành cho thương vụ mua lại chuỗi điện máy và chuỗi cửa hàng dược phẩm.
Lãnh đạo MWG cũng tiết lộ, quá trình đàm phán đã hoàn tất, mọi thứ như “đạn đã lên nòng” nên chỉ cần cổ đông đồng ý là lập tức triển khai và có thể hoàn thành ngay trong những tháng cuối năm nay.
MWG là một trong những doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất thị trường với 7.214 tỷ đồng lợi nhuận 2016. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng thiết bị di động, thiết bị điện tử, máy tính xách tay. Tuy nhiên, hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng lên tới 9.370 tỷ đồng, riêng hàng thiết bị gia dụng tồn kho 647 tỷ đồng, hàng thiết bị điện tử tồn kho 2.962 tỷ đồng, điện thoại di động tồn kho nhiều nhất với 4.445 tỷ đồng. Trong khi đó, DGW đạt 241 tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 6,2% tổng doanh thu)... |
Riêng về việc “nhảy” sang kinh doanh bằng việc mua lại chuỗi cửa hàng dược phẩm, lãnh đạo MWG cũng từng chia sẻ, thay vì mất 2-3 năm tìm hiểu về mô hình chuỗi cửa hàng bán dược phẩm, công ty này sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm đó để tiến hành mua lại.
Trong đó, đặc biệt ưu tiên những đơn vị đang sở hữu 10-15 cửa hàng, sau đó sẽ mở rộng chuỗi lên đến 500 cửa hàng.
Trước kế hoạch của MWG, Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cũng công bố kế hoạch nhảy vào lĩnh vực dược phẩm khi bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh này.
Trong bản đăng ký ngành nghề kinh doanh mới của DGW có thêm thực phẩm chức năng nhưng không chỉ bán lẻ mà doanh nghiệp này khá tham vọng khi muốn thực hiện cả sản xuất và bán buôn.
Chia sẻ với báo giới về việc “lấn sân” sang lĩnh vực béo bở là dược phẩm, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld (DGW) cho biết, ngành hàng thực phẩm chức năng có biên lợi nhuận trên 60% và do DGW có khả năng tham gia nhiều khâu trong kinh doanh nên biên lợi nhuận sẽ rất cao.
Ngay trong năm nay, DGW dự kiến thu được khoảng 80 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh thực phẩm chức năng. Lãnh đạo công ty hy vọng sẽ nâng biên lợi nhuận lên 100% và có thể đạt doanh số 600 tỷ đồng trong 3 năm tới. Và mới đây nhất ngày 18/8, DGW hính thức tung ra sản phẩm Kingsmen - thực phẩm chức năng dành cho nam giới.
Bỏ “đại dương đỏ” sang “đại dương xanh”
Đây là cách ví von của chính lãnh đạo các công ty khi “lấn sân” sang lĩnh vực dược phẩm bởi kinh doanh phân phối điện máy vài năm trở lại đây được cho là đã bão hoà và cạnh tranh khốc liệt khi có sự tham gia của các tay chơi nước ngoài.
Trong khi đó, phân phối dược phẩm từ trước tới nay được coi là ngành hẹp và đến nay cũng chỉ có một vài công ty đủ sức phân phối trên phạm vi toàn quốc như Traphaco hay Dược Hậu Giang (DHG). Các công ty này cũng đang nắm giữ những kết quả kinh doanh hết sức khả quan trong khi các ngành khác khó khăn.
Đơn cử như DHG, theo báo cáo tài chính hợp nhất trong 6 tháng năm nay, DHG đạt lợi nhuận sau thuế lên tới 582 tỷ đồng, tăng mạnh so với 191,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trước đó (năm 2016), công ty này cũng ghi nhận lãi 712,9 tỷ đồng, cao hơn 20,29% so với năm trước.
Còn Traphaco, theo phương châm “chậm nhưng chắc”, lợi nhuận sau thuế của Traphaco trong 6 tháng đầu năm cũng hết sức khả quan với 117,59 tỷ đồng, cao hơn con số 112,47 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Riêng Công ty CP dược phẩm Imexpharm (IMP) quý II năm nay “bị” giải trình vì kết quả kinh doanh tăng đột biến từ 19,38 tỷ cùng kỳ năm ngoái lên 33,88 tỷ đồng năm nay…
Không chỉ trong năm nay mà các năm sau các doanh nghiệp vẫn được dự báo có kết quả kinh doanh tăng ổn định và dược phẩm vẫn là một thị trường non trẻ. Theo ước tính của Tổ chức Giám sát Kinh doanh quốc tế (BMI), giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ mới chiếm chưa đến 45%-50% tổng giá trị sử dụng thuốc, chủ yếu bào chế các loại thuốc đơn giản, phổ biến và giá rẻ. Mục tiêu đến năm 2020 của ngành dược là thuốc sản xuất trong nước phải chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm.
BMI cũng dự báo tỷ trọng doanh thu thị trường thuốc đông dược sẽ tăng mạnh từ 1-1,5% hiện tại lên mức 30% trong năm tới nhờ sự bùng nổ về tiêu thụ thực phẩm chức năng có nguồn gốc đông dược. Do đó, dù ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT DGW nhận định rủi ro của thực phẩm chức năng như tỷ lệ người mua còn thấp, luật chưa rạch ròi, thuế suất cao dẫn đến giá thành cao, người tiêu dùng đang mất lòng tin vào chất lượng sản phẩm… thì thực phẩm chức năng nói riêng và dược phẩm nói chung vẫn đang là lĩnh vực “hái ra tiền”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận