Sự gắn kết tập thể chứ không phải màn tỏa sáng cá nhân mới là điểm nhấn đáng chú ý nhất tới thời điểm này.
Sao lớn lu mờ
EURO 2024 đang bước vào giai đoạn knock-out với những trận đấu đầy gay cấn. Bên cạnh những kết quả bất ngờ, một điểm đáng chú ý khác là nhiều ngôi sao lớn chơi mờ nhạt.
Rạng sáng 1/7, tuyển Anh chật vật vượt qua Slovenia khi bị dẫn bàn trước.
Harry Kane (phải) và đội tuyển Anh chơi không thuyết phục tại EURO 2024.
Harry Kane và Bellingham là hai cầu thủ giúp Tam sư lật ngược thế cờ nhưng phần lớn thời gian trận đấu, bộ đôi này chơi mờ nhạt. Cả hai trước đó không để lại nhiều dấu ấn tại vòng bảng dù nhận nhiều kỳ vọng.
Cũng trong đội hình tuyển Anh, hàng loạt ngôi sao đắt giá như Phil Foden, Bukayo Saka, Dalan Rice đều gây thất vọng.
Tại vòng bảng, siêu sao Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha cũng chỉ khiến người hâm mộ nhắc đến một lần với đường kiến tạo để Bruno Fernandes ghi bàn vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ. Còn lại, anh không có nhiều đóng góp chuyên môn, chơi khá mờ nhạt.
Nếu như Ronaldo có thể đổ lỗi do tuổi tác thì một ngôi sao sung sức là Kylian Mbappe (Pháp) cũng chịu chung số phận. Tiền đạo này mới chỉ ghi 1 bàn từ chấm phạt đền tính tới trước vòng 1/8.
Tương tự, một cái tên đẳng cấp khác dường như đang ngủ quên tại EURO 2024, đó là Kevin De Bruyne (Bỉ).
Đội bóng xứ socola chật vật tiến vào vòng 1/8 một phần do phong độ yếu kém của tiền vệ đang khoác áo Man City.
Người hâm mộ không còn được chứng kiến những đường chuyền xé toang hàng thủ đối phương mang thương hiệu Kevin hay những cú nã đại bác tầm xa uy lực.
Nhiều ngôi sao khác nữa như Robert Lewandowski (Ba Lan), Luka Modric (Croatia)… cũng chỉ để lại nỗi thất vọng.
Lối chơi tập thể gây ấn tượng
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều ngôi sao đã trải qua một mùa giải quá mệt mỏi, thể lực đã bị vắt kiệt.
Ngay trước ngày khai mạc EURO 2024, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPRO) đã đệ đơn lên FIFA về lịch thi đấu quốc tế. Họ cho rằng có quá nhiều trận đấu để mong đợi các cầu thủ hàng đầu thể hiện hết khả năng.
Tuy vậy, tờ New York Times nhận định, việc đổ lỗi cho lịch thi đấu là thiếu công bằng với phần còn lại: "Đội chủ nhà Đức cùng với Tây Ban Nha và Áo là những đội đang chơi tốt tại EURO 2024.
Cầu thủ của họ cũng vừa trải qua một mùa giải dài cùng CLB. HLV Julian Nagelsmann (Áo) thậm chí triệu tập vào đội hình những cầu thủ có nhiều phút thi đấu cho CLB hơn bất kỳ tập thể nào. Thế nhưng, Áo vẫn trình diễn thứ bóng đá giàu năng lượng".
Cũng theo New York Times, những đội bóng có quá nhiều ngôi sao như Anh hay Pháp đang chơi quá thận trọng, khiến các cầu thủ không thể bùng nổ.
"HLV Deschamps (Pháp) và Gareth Southgate (Anh) giống như những chủ sở hữu xe Ferrari đắt đỏ.
Họ không muốn làm xước lớp sơn và dường như thích đỗ xe hơn là nổ máy trên đường cao tốc. Giữa tập thể như vậy, các ngôi sao đương nhiên chịu ảnh hưởng".
Trong khi đó, tờ Khaleejtimes lại nhìn nhận, việc nhiều ngôi sao không tỏa sáng là điều tất yếu bởi các đối thủ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trình diễn lối chơi linh hoạt và tính kết nối tập thể cao.
Ngay cả những đội bóng vốn được coi là lót đường như Georgia, Albania cũng đều góp mặt ở vòng loại trực tiếp nhờ thứ bóng đá chặt chẽ, kỷ luật.
Điểm chung của họ là chơi tập trung cao độ trong phòng ngự, khi có cơ hội tấn công thì đẩy tốc độ lên cao nhất có thể để khiến đối thủ không kịp xoay xở.
Những cầu thủ ít được mong đợi tỏa sáng
Nhìn rộng hơn, tờ EuroSports nêu quan điểm, EURO thường có xu hướng là sân chơi của các cầu thủ ít được mong đợi.
Năm 1984, Pháp vô địch EURO nhờ sự tỏa sáng của Michel Platini với 9 bàn thắng. Nhưng kể từ đó, không có ngôi sao lớn nào thực sự gây ấn tượng tại sân chơi này.
Các thủ môn như Peter Schmeichel (Đan Mạch, EURO 1992) và Gigio Donnarumma (Ý, EURO 2020) đã được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.
Theo Zagorakis cũng nhận được danh hiệu tương tự và đứng thứ năm trong bảng xếp hạng Quả bóng vàng sau khi Hy Lạp gây chấn động châu lục vào năm 2004.
Bản thân Hy Lạp, Ý hay Đan Mạch cũng không phải những tập thể được đánh giá cao.
Khi Bồ Đào Nha vô địch giải đấu lần đầu tiên vào năm 2016, chính Eder, một cầu thủ gần như vô danh được Swansea cho Lille mượn, đã ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết với đội chủ nhà Pháp - chứ không phải Ronaldo.
"Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu EURO mùa hè này có cần những ngôi sao xuất hiện để được coi là một giải đấu hay không?
Không vấn đề gì, những sao mai như: Jamal Musiala (Đức), Nico Williams và Lamine Yamal (Tây Ban Nha) đang cho thấy họ sẵn sàng bước lên vũ đài lịch sử", EuroSports nhận xét.
"Hiệu ứng Pep Guardioa được nhiều đội bóng áp dụng tại EURO 2024. Khả năng kiểm soát bóng cao, phòng ngự từ xa tốt nên khoảng trống trước khung thành khá hạn chế.
Bởi vậy, không dễ để các ngôi sao tấn công có nhiều cơ hội tỏa sáng. Đó cũng là một trong những lý do EURO năm nay xuất hiện nhiều bàn thắng từ xa", tờ Khaleejtimes phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận