Thế giới

Khi các tỷ phú Thung lũng Silicon đổ xô xây hầm trú ẩn chống ngày tận thế

14/02/2020, 05:53

Giới thượng lưu chạy đua, thể hiện đẳng cấp qua những kế hoạch sinh tồn bằng việc bỏ tiền xây những “boongke bất diệt” trị giá hàng triệu USD.

img
Một boongke của Công ty Rising S nặng 150 tấn trị giá 11,5 triệu USD được chôn sâu 4m dưới lòng đất

Sắm sửa nhà lầu, xe hơi, đi du lịch vòng quanh thế giới có lẽ chỉ còn là những thú vui tầm thường với giới đại gia, tỷ phú USD. Nhiều năm trở lại đây, khi cụm từ “ngày tận thế” không ít lần được dư luận thế giới nhắc đến giới thượng lưu lại chạy đua, thể hiện đẳng cấp qua những kế hoạch sinh tồn bằng việc bỏ tiền xây những “boongke bất diệt” trị giá hàng triệu USD.

New Zealand - miền đất hứa của giới nhà giàu

Để nói về thú chơi đặc biệt này phải kể đến các đại gia Mỹ, đặc biệt là giới tỷ phú ở Thung lũng Silicon. Lo sợ chiến tranh, đại dịch hoặc bất ổn xã hội nhằm vào giới nhà giàu, các đại gia công nghệ đã xây dựng các kế hoạch dự phòng chi tiết để chạy trốn khỏi Mỹ khi cần.

Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất với giới săn boong-ke đó chính là New Zealand. Hiện tại có ít nhất 7 tỉ phú được giấu tên, tại khu vực Thung lũng Silicon đổ xô tới đây, bỏ tiền thuê công nhân xây dựng, lắp đặt những boong-ke sinh tồn dự phòng ngày tận thế.

Sản phẩm boong-ke đã được nhiều đại gia mua là sản phẩm của nhà sản xuất boong-ke Rising S có trụ sở tại Texas, nặng 150 tấn, trị giá lên tới 11,5 triệu USD. Những boong-ke này sẽ được chôn sâu 4m dưới mặt đất tại một khu vực đặc biệt ở New Zealand.

img
Những chiếc boongke của người giàu có có thể nằm đâu đó dưới lòng đất ở những nơi hoang vắng.

Kế hoạch dự phòng để tới New Zealand trú ẩn từ lâu dần trở thành chủ đề nóng trong những bữa tiệc tối ở Thung lũng Silicon. Thậm chí nhiều người như nhà đồng sáng lập PayPal - ông Peter Thiel còn công khai trước dư luận với việc mua 2 boong-ke.

Một đại gia đầu tư tại Mỹ yêu cầu báo Daily Mail không tiết lộ danh tính cho biết, ông chuẩn bị một chiếc túi chứa súng, được đặt trên xe máy trong gara để sẵn sàng đi bất cứ lúc nào.

Trong trường hợp khẩn cấp, ông dùng máy bay riêng để bay tới bang Nevada nơi có một chiếc phi cơ khác đang chờ. Chiếc phi cơ này luôn trong tình trạng chờ để đưa ông cùng 4 tỷ phú công nghệ khác tới “miền đất hứa” - New Zealand khi có bất trắc xảy ra.

img
Thiết kế của một hầm trú ẩn của giới siêu giàu được cải tạo lại từ một hầm phóng tên lửa xuyên lục địa.

Tổng cộng có 17 người Mỹ tận dụng chính sách Plus Visa mà New Zealand đưa ra từ năm tài khoá 2017, cho phép đầu tư 10 triệu USD trong hơn 36 tháng để được cấp visa cư trú. Chỉ riêng ở thị trấn nghỉ dưỡng Queenstown, đã có 10 người giàu Mỹ mua biệt thự lớn trong 2 năm 2016-2017, theo số liệu của các đại lý bất động sản địa phương.

Sở dĩ các tỷ phú này chọn New Zealand vì theo Tổng giám đốc Rising S Gary Lynch: “New Zealand không có kẻ thù tiềm tàng, không phải là mục tiêu tấn công hạt nhân và không phải là mục tiêu chiến tranh thông thường”.

Cựu Thủ tướng New Zealand John Key từng nói rằng, đất nước ông nổi tiếng là quốc gia an toàn và là địa điểm yêu thích đối với những người Mỹ muốn ẩn náu trong trường hợp xảy ra thảm họa.

“Đã có một số người nói với tôi rằng, họ muốn sở hữu bất động sản tại New Zealand nếu thế giới bị hủy diệt”, ông Key nói thêm.

Chưa hết, theo tờ Daily Mail, đất nước tại Thái Bình Dương này còn thu hút những đại gia ngành công nghệ vì là quốc gia có nền dân chủ ổn định và độc lập về địa lý, chính trị cũng như có môi trường khởi nghiệp sôi động.

Đủ tiện nghi nghỉ dưỡng xa hoa

Theo chia sẻ mới nhất của ông Lynch, doanh số bán boong-ke ngầm cao cấp năm 2016 đã tăng 700% so với năm 2015.

img
Lối vào của một boongke trú ẩn bí mật.

Những hạ tầng sinh tồn này thường được tận dụng từ những boong-ke quân sự đã hết hạn sử dụng hoặc những silo (tháp chứa ngầm dưới lòng đất) tên lửa do Chính phủ Mỹ hoặc liên bang Xô-viết chế tạo, có khả năng chống đỡ những vụ tấn công hạt nhân, có hệ thống điện riêng, hệ thống lọc nước, hệ thống lọc không khí chống hạt nhân - sinh học - hoá học (NBC).

Trong các boong-ke, lương thực được chuẩn bị đủ để cho nhiều người có thể sống từ 1 năm trở lên. Nhiều nơi còn có những vườn thuỷ canh để bổ sung nguồn cung thực phẩm cần thiết.

Các nhà phát triển trong thị trường này còn tạo ra một cộng đồng toàn diện được trang bị cả các kỹ năng cần thiết cho phép sống sót thời gian dài và có đủ từ bác sĩ đến giáo viên.

Thậm chí, nhiều boong-ke như The Oppidum tại Cộng hoà Séc còn có đầy đủ tiện nghi giải trí cao cấp nhất. Cơ sở tuyệt mật này từng là dự án chung giữa Séc và Czechoslovakia (nay là Cộng hoà Séc và Slovakia), được xây dựng trong hơn 10 năm từ năm 1984, bao gồm một phần ở trên mặt đất và một phần ngầm rộng 7.000m2.

Sau quá trình sơn sửa và trùng tu để phù hợp với yêu cầu của chủ mới, cơ sở này có thêm vườn ngầm dưới đất, bể bơi, spa, rạp chiếu phim và hầm đựng rượu.

Trong khi nhiều người chỉ trích rằng, việc trang bị những tiện nghi trên là quá mức cần thiết so với một cơ sở để trú ẩn sinh tồn nhưng các nhà phát triển boong-ke cho rằng, những tính năng đó cực kỳ cần thiết để sống sót vì đặc tính của những cơ sở này là nơi trú ẩn dài hạn khoảng hơn 12 tháng liên tục, nên nếu có đủ các tiện ích thoải mái thì vẫn tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.