Chuyện dọc đường

Khi cộng đồng mạng “thế thiên hành đạo”

11/12/2020, 06:20

Rất quyết liệt và dứt khoát, họ lùa kẻ đánh nữ sinh vào bờ tường và ra đòn, sau đó khênh đi như mang hàng ra phiên chợ.

img

Lê Tấn Thành đánh dã man nữ sinh sau khi xảy ra va chạm giao thông ở Bình Dương (Ảnh cắt từ clip)

Bất cứ ai cũng sôi máu khi nhìn cảnh thanh niên to khỏe đạp thẳng vào mặt nữ sinh sau cú va chạm giao thông do hắn gây ra ở Bình Dương.

Mà không phải chỉ một cú đá, là những cú đá liên tiếp khi cô bé đã ngã ra đường. Dã man hơn, kẻ côn đồ còn rút côn 3 khúc vụt vào người em. Không có ai xông vào can ngăn.

Có thể lúc đó, họ chưa kịp định thần, cũng không đủ năng lực để ngăn hành vi thú tính.

Nhưng sau đó thì khác, cộng đồng mạng nhanh chóng tìm ra kẻ độc ác nhờ vào biển số chiếc xe máy trong vụ tai nạn. Một đoàn thanh niên hùng hậu đã tìm đến nhà kẻ côn đồ này ở Bình Dương để đòi lại công bằng cho nữ sinh bị đòn oan.

Rất quyết liệt và dứt khoát, họ lùa kẻ mới đây còn ngông nghênh vào bờ tường và ra đòn, sau đó khênh đi như mang một món hàng ra phiên chợ.

img

Công an lấy lời khai Lê Tấn Thành

Không thể nói dối là tôi phản đối hành động này cho giống một người thượng tôn pháp luật.

Bởi cảm giác của tôi và nhiều người khác vô cùng uất ức khi xem video sự việc. Cô bé chịu bất công, ai (nếu có thể) cũng muốn giúp cô một tay, trừng trị răn đe kẻ côn đồ thú tính.

Cảm giác muốn đánh, muốn trút giận lên ai đó càng ngày càng nhiều, xét cho cùng là bởi những ẩn ức trong cuộc sống; là tâm lý lo sợ kẻ ác sẽ lọt lưới pháp luật, sẽ nhởn nhơ rong chơi.

Vụ Cựu Viện phó Viện Kiểm sát Đà Nẵng dâm ô bé gái trong thang máy vừa qua cũng là một điển hình. Chính sự ngạo mạn của kẻ dâm ô, sự bất lực (ở một chừng mực nào đó của pháp luật) đã khiến cộng đồng mạng muốn “thế thiên hành đạo”.

Người ta đã kéo đến cửa nhà của vị này tại Đà Nẵng chụp ảnh check in và chú thích ảnh bằng những lời nhục mạ đăng khắp cõi mạng.

Vậy, tại sao lại có những cơn địa chấn truy tìm, truy vết, “tận diệt” như thế trên cộng đồng mạng? Tại sao tôi hay bất kỳ ai được hỏi cũng không giấu mình hả hê khi thấy kẻ ác bị "cộng đồng mạng" trừng phạt?

Thử đặt câu hỏi, nếu người dân tin chắc mọi tội ác sẽ được trừng trị, không có những cơ quan công quyền “mắt nhắm mắt mở”, thông đồng, chạy án, hay chậm trễ trong điều tra, cư dân mạng có bỏ thời gian đi làm chuyện bao đồng như vậy không?

Một luật sư khẳng định với tôi rằng, chỉ trong trường hợp phạm tội quả tang thì người dân mới được bắt giữ và giao nộp công an. Còn trường hợp này sự việc đã xảy ra nhiều hôm, những người đang được cộng đồng mạng tung hô là Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” này rất có khả năng trở thành những người vi phạm pháp luật.

Ở nơi nào để tội phạm lộng hành, người dân buộc phải làm thay việc của cơ quan bảo vệ pháp luật thì ở nơi đó lực lượng bảo vệ pháp luật chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Mong rằng, chúng ta không còn phải nhiều lần vô tình hay cố tình trở thành người cổ xúy cho những hành vi “thế thiên hành đạo” như vậy.

Chỉ có một nền tư pháp vững mạnh, một luật pháp nghiêm minh mới giúp dân không phải làm thay, làm hộ cơ quan bảo vệ pháp luật; cũng không trở thành “tội phạm dự bị” khi đi đòi lại sự công bằng cho người khác vượt qua chức phận của mình và quy định của luật pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.