Trong nước

Khi cựu binh bóng chuyền sắm vai trụ cột

04/04/2017, 08:19

Lão tướng 35 tuổi Kim Huệ vẫn xuất hiện trong vai trò trụ cột của Ngân hàng Công thương Việt Nam...

22

Phạm Thị Yến vừa đảm nhận vai trò trợ lý HLV vừa phải vào sân thi đấu 

Lão tướng 35 tuổi Kim Huệ vẫn xuất hiện trong vai trò trụ cột của Ngân hàng Công thương Việt Nam tại Giải vô địch Quốc gia 2017, trong khi HLV 32 tuổi của Thông tin LienVietPostbank Phạm Yến thậm chí còn phải vào sân “cày ải” ở mọi trận đấu. Đó cũng là trường hợp của nhiều cựu binh khác như: Ngọc Hoa của Bình Điền Long An hay Bùi Thị Huệ ở Thái Bình.

HLV cũng phải... vào sân thi đấu

Năm ngoái, phụ công sinh năm 1983 Phạm Kim Huệ đã tỏa sáng rực rỡ để mang về chức vô địch lịch sử cho Ngân hàng Công thương Việt Nam. Khi đó, chị tuyên bố chắc nịch chia tay thảm đấu để chuyển sang làm HLV, cũng như lo cho gia đình. Tuy nhiên, mong muốn của cựu đội trưởng ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam đã bất thành khi lãnh đạo CLB cùng các đồng đội đều tìm mọi cách để thuyết phục Huệ cố gắng phấn đấu thêm ít nhất một mùa.

Kim Huệ quyết định ở lại tiếp tục đóng vai trụ cột ở đội bóng ngành Ngân hàng, bên cạnh hai “bạn già” khác là chủ công Nguyễn Thị Xuân và chuyền hai Hà Thị Hoa. Ở tuổi 37, bà mẹ hai con Hà Thị Hoa là nữ cầu thủ cao tuổi nhất của giải. Điều đáng nói, bộ ba tuổi “băm” này còn đóng vai trò làm bộ khung trong đội hình, lối chơi của toàn đội. Những chiến thắng thuyết phục của Ngân hàng Công thương Việt Nam tại vòng bảng vừa qua đều mang đậm dấu ấn của ba cựu tuyển thủ quốc gia. Thậm chí, họ không chỉ nâng đỡ mà làm thay phần của các đàn em. Trước giải, HLV Lê Văn Dũng đã thử nghiệm phương án “không Kim Huệ”, rồi “không Huệ, Xuân, Hoa” tại một vài giải để ưu tiên tối đa cho lực lượng trẻ đều không thành công. Nhà ĐKVĐ với đội hình trẻ chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của mình.

Trong khi đó, đội Thái Bình của Bùi Thị Huệ có lực lượng thiếu và yếu tới mức chị phải chia tay rồi tái xuất tới hai lần. Ngoài Huệ, CLB quê Lúa còn phải cầu viện thêm một cựu tuyển thủ quốc gia 34 tuổi, đã nghỉ thi đấu 5 năm là Lê Thị Mười. Cặp chủ công Huệ - Mười, dù chỉ còn thể hiện được phân nửa so với thời đỉnh cao của mình, vẫn giúp cho đội nhà đứng thứ hai vòng bảng, có cơ hội lọt vào top 4 quốc gia, bằng chiến thắng trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp Thanh Hóa. Điều đó cũng phần nào cho thấy lực lượng của Thái Bình tệ ra sao và cả bóng chuyền nữ Việt Nam thảm đến mức nào.

Cựu chủ công hàng đầu Phạm Yến đã ba mùa được đôn lên làm trợ lý HLV Thông tin LienVietPostBank mà vẫn phải thường xuyên vào sân “cày ải” do chưa có đàn em kế thừa. Riêng vòng 1 giải vừa qua, Yến phải tham dự tất cả các trận nhưng vẫn không ngăn được đà sa sút của đội. Đội bóng khoác áo lính đã chấp nhận mất vị trí đầu bảng vào tay Bình Điền Long An, sau trận thua 1-3 trước đối thủ cũng đang phụ thuộc tới mức lệ thuộc vào ngôi sao 30 tuổi Ngọc Hoa. Ngọc Hoa từng muốn giã từ thảm đấu từ vài năm nay nhưng không bứt ra nổi vì thiếu Hoa, Bình Điền Long An có thể lập tức văng ra khỏi top 4.

Chỉ lo... “ăn xổi”

Sự xuất hiện và áp đảo của những Kim Huệ, Bùi Thị Huệ, Phạm Yến… chứng tỏ niềm đam mê, sức bền bỉ phi thường của chính các cầu thủ tuổi “băm” này. Tuy nhiên, nó đã phơi bày thảm cảnh của cả nền bóng chuyền nữ, gắn với mảng đào tạo trẻ yếu kém, xuất phát từ cách làm “ăn xổi” khoảng một thập kỷ trở lại đây.

Trong hơn 20 đội bóng hạng mạnh và hạng dưới, số tập trung làm trẻ, có hiệu quả tốt ít đến nỗi có thể đếm trên đầu ngón tay: Thông tin LienVietPostbank, Bình Điền Long An và Ngân hàng Công thương Việt Nam. Chỉ có điều, chính các “địa chỉ đỏ” này cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng “ăn xổi” chung. Nhiều đội có “số má” hẳn hoi tuyệt nhiên không có tuyến trẻ, tuyến năng khiếu. Một số đội khác dù có nhưng chỉ là hình thức và tạm bợ.

Đây là hậu quả của việc các đội bóng đua nhau thuê cầu thủ ngoại từ năm 2004 - 2013. Cá biệt có mùa cả 12 đội nữ dự giải vô địch quốc gia đều sở hữu ngoại binh, hầu hết thuê hai người để tiện sử dụng. Cực chẳng đã, các nhà quản lý đã phải “nói không” với ngoại binh để cứu vãn mảng đào tạo trẻ, nhưng đến giờ qua ba năm vẫn chưa thay đổi được nhiều.

“Thái Bình đang phải trả giá vì quá phụ thuộc vào ngoại binh, cũng như những yếu kém trong khâu đào tạo trẻ. Chúng tôi đã quá chú trọng vào thành tích của đội 1, với sự đầu tư thiên lệch nên đã buông lỏng tuyến dưới. Chúng tôi đang quyết tâm, nỗ lực làm lại song chắc cũng phải mất ít nhất 3 - 4 năm nữa mới có thể có được một đội hình chất lượng”, HLV Thái Thanh Tùng của Thái Bình chia sẻ.

Trong khi đó, về giải pháp nâng cao chất lượng bóng chuyền Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường phân tích: Chúng ta không còn cách nào khác phải tạo ra bước đột phá về đào tạo trẻ. Ngoài giải trẻ quốc gia, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam còn tổ chức một giải trẻ riêng cho các CLB thuộc giải VĐQG mang tính bắt buộc, thậm chí đội nào không có tuyến trẻ dự tranh sẽ bị trừ điểm và bị đánh tụt hạng. Tới đây, liên đoàn cũng sẽ xây dựng một khung đào tạo trẻ thống nhất với sự tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế phù hợp với xu hướng hiện đại và đặc thù Việt Nam để cung cấp cho các đội bóng, địa phương”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.