Khi cựu binh cảnh giới đường ngang

03/05/2014, 08:19

Mặt đường hầm hập táp vào người từng đợt nóng gay gắt, chói chang. Mồ hôi lã chã, ướt đầm cái áo bộ đội, nhưng các bác cựu chiến binh làm nhiệm vụ vẫn không rời vị trí.


Ở QL5 có 7 điểm cảnh giới đường ngang, chỉ duy nhất một điểm có cây xanh che mát, có hồ nước bên cạnh và quán giải khát. Còn lại đều nằm giữa đường bê tông nắng gay gắt. Ấy thế mà chẳng ai chịu rời vị trí dù mức phụ cấp chỉ gần 1 triệu đồng/tháng. Mỗi điểm có 3 người đều là cựu binh. Ngày trước, khi nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra, các bác cựu chiến binh liền tụ họp nhau, phân chia ra gác đường ngang để đảm bảo an toàn cho người và xe qua. Thấm thoắt đã được một năm kể từ ngày các điểm cảnh giới này được thành lập. Người dân ở đây đã quá quen thuộc với những cái tên cựu binh như: Tĩnh, Bảo, Thành, Hưng... ngày ngày ra đường ngang cảnh giới bất kể nắng, mưa.


Để an toàn, các bác được công ty quản lý đường sắt tập huấn cho hiệu lệnh an toàn khi cảnh giới, hiệu lệnh dừng phương tiện. Công ty cũng cấp đèn, còi, băng đỏ nên công việc khá thuận lợi. Bác Tĩnh bảo anh em trong tổ cũng đã có ý xin đồng phục của ngành Đường sắt, nhưng rồi lại quyết định vẫn mặc áo cựu chiến binh mỗi khi đến phiên gác. Có lẽ chính màu áo cựu chiến binh đã khiến người đi qua đường ngang này chấp hành tốt hơn, lắng nghe hiệu lệnh hơn.


Nóng nực quá khiến những chiếc áo cựu chiến binh ngả màu thời gian thấm đẫm mồ hôi. Lại một hồi còi từ xa vọng lại báo hiệu tàu sắp qua đường ngang. Cựu chiến binh Tĩnh đứng vào vị trí cảnh giới an toàn, tay còi, tay cờ báo hiệu cho các xe bên phía đường bộ dừng lại chờ tàu qua an toàn. Động tác dứt khoát, chuyên nghiệp khiến mọi người đi đường tin tưởng. Hết chuyến tàu này là đến phiên trực của người cựu binh khác, kéo dài đến đêm. Cứ thế, mỗi ngày hơn 20 chuyến tàu qua an toàn cũng nhờ công đóng góp của các cựu chiến binh nhiệt huyết vì ATGT. 

Lê Phong
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.