Chuyện dọc đường

Khi doanh nhân đánh mất chữ "tín"

12/01/2022, 16:48

Với doanh nhân, uy tín chính là tài sản, mất "tín" rồi tài sản còn giữ được không?

Ngày 10/1, thị trường đón nhận bất ngờ đón nhận hai thông tin không bất ngờ liên quan đến hai vị doanh nhân tên tuổi: Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bán “chui” cổ phiếu và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh hủy hợp đồng mua đấu giá lô đất Thủ Thiêm trúng giá “khủng” gây rúng động thị trường trước đó.

img

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC vừa bị phong tỏa tài khoản vì bán cổ phiếu “chui” phiên giao dịch ngày 10/1

Nói thông tin không bất ngờ là bởi đây không phải lần đầu ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” cổ phiếu. Trước đó, cuối năm 2017, ông Quyết với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC cũng đã bán 57 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Và trong suốt quá trình hoạt động cũng như đồng hành với thị trường chứng khoán, người đứng đầu Tập đoàn FLC và loạt công ty con cũng không ít lần tung ra những kế hoạch tỷ đô kèm những lời hứa hẹn như "mật ngọt" khiến cổ phiếu của doanh nghiệp hết tăng sốc lại giảm sâu khiến nhà đầu tư "đau tim".

Tương tự, việc Tân Hoàng Minh có thể “bỏ chạy” khỏi Thủ Thiêm hậu đấu giá cũng là một kịch bản được giới phân tích nhận định có thể xảy ra, nhất là khi tập đoàn này đã từng có tiền lệ với khu đất vàng 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM trước đó.

Ngay trong ngày 10/1, cơ quan quản lý đã ra quyết định chưa có trong lịch sử giao dịch chứng khoán: Hủy toàn bộ kết quả giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC phiên giao dịch ngày 10/1; phong tỏa tài khoản đứng tên ông Trịnh Văn Quyết.

Cùng nhận “tin xấu” với ông Trịnh Văn Quyết và FLC, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và các sở ngành trực thuộc, đề nghị cung cấp tài liệu liên quan đến loạt dự án do Tập đoàn Tân Hoàng Minh thực hiện tại địa phương này như: D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D'. Le Roi Soleil Quảng An, Tây Hồ; D’. San Raffles Hàng Bài; Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt – D’. Jardin Royal...

Sự lo ngại của giới đầu tư đối với nhóm cổ phiếu bất động sản như CII, DXG, CEO, DHR, HAR, HQC, LDG, NBB sau quyết định của người đứng đầu Tân Hoàng Minh; cũng như sự lo ngại với nhóm cổ phiếu có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết như ROS, HAI, AMD, KLF - đã thành hiện thực khi những mã này nằm sàn hàng loạt trong phiên giao dịch sáng nay.

Giá trị vốn hóa chỉ tính riêng với hơn 709 triệu cổ phiếu FLC đang lưu hành trên thị trường đã mất hơn 1.029 tỉ đồng trong phiên giao dịch buổi sáng. Còn nếu tính cả phiên hôm qua 10/1, cổ phiếu FLC mất tổng cộng hơn 2.000 tỷ đồng!

2.000 tỷ nhiều hay ít? Với một doanh nghiệp, doanh nhân sở hữu hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng, con số nghìn tỷ không nhỏ nhưng cũng không phải quá lớn. Hơn nữa, với nếu đặt trong sự biến động bình thường của thị trường chứng khoán, sự tăng, giảm nghìn tỷ tài sản sau một vài phiên giao dịch cũng là diễn biến hết sức bình thường.

Nhưng, con số nghìn tỷ bị “bốc hơi” lần này thì khác!

Khác ở chỗ, là “sự bốc hơi” về niềm tin của nhà đầu tư, của cổ đông đã gửi gắm cho các doanh nghiệp, doanh nhân như FLC, ông Quyết và rất nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải oằn mình chống đỡ khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp phải vật lộn xoay xở huy động mọi nguồn lực tài chính, thị trường chứng khoán thời gian qua trở thành một trong những kênh thu hút vốn hiệu quả. Tuy nhiên, những hành vi bán “chui” cổ phiếu của lãnh đạo một doanh nghiệp lớn như FLC không khác nào “đánh úp” nhà đầu tư.

Vì chạy theo khoản lợi nhuận trước mắt, họ tự mình đánh mất chữ “tín”. Với doanh nhân, uy tín chính là tài sản. Khi uy tín mất rồi, tài sản cũng không dễ gì giữ được. Và diễn biến giá cổ phiếu “họ” FLC nói riêng, hàng loạt cổ phiếu bất động sản nói chung nằm sàn phiên giao dịch sáng nay là câu trả lời rõ nhất.

Để bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, cơ quan chức năng cần tiếp tục có chế tài xử lý nghiêm với những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, không có ngoại lệ.

2 sự việc trên phải được xử lý đúng với bản chất, quy mô, tính chất tác động.

Như trường hợp Tân Hoàng Minh đấu giá đất ở Thủ Thiêm xong “tháo chạy” làm nhiễu loạn, méo mó thị trường bất động sản.

Một số giả thiết được đặt ra cho việc kích giá đất đấu giá lên cao là nâng giá trị đảm bảo cho các khoản nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng. Đồng thời, không loại trừ để nâng giá mặt bằng bất động sản các dự án mà doanh nghiệp và các liên minh đã gom và nắm giữ trước đó.

Những toan tính của doanh nghiệp có thể đã được tư vấn kỹ càng về pháp lý. Họ sẵn sàng chấp nhận phạt, mất tiền cọc để thu về những thứ mình cần theo một kịch bản có sẵn.

Nhưng toan tính nào cho đủ, khi đã tự tay đánh mất niềm tin và trở thành điểm nóng để các cơ quan chức năng vào cuộc?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.