Showbiz

Khi gameshow được lời như “cởi tấm vải”

08/06/2019, 06:22

“Nữ hoàng quyến rũ” - chương trình truyền hình thực tế những ngày qua đã vấp phải không ít chỉ trích của dư luận bởi sự… quá đà.

img
Hình ảnh khêu gợi bị đánh giá là phản cảm trong chương trình Nữ hoàng quyến rũ

Theo đó, trong tập phát sóng ngày 3/6, các thí sinh đã được một người mẫu Nhật hướng dẫn tạo dáng gợi cảm với bikini. Tuy nhiên, màn gợi cảm ấy lại trở nên lố bịch với các cách tạo dáng mang tính gợi dục nhiều hơn gợi cảm. Đáng nói là chương trình ấy lại được phát sóng vào khung giờ vàng trên HTV, khung giờ mà cả gia đình từ người lớn tới trẻ nhỏ đều ngồi xem. Thế là nghiễm nhiên, HTV bị dư luận lên án và bị Cục Phát thanh - truyền hình “sờ gáy”.

Có vẻ khi đất nước hội nhập, dư luận thoáng hơn thì những nhà tổ chức gameshow truyền hình cũng được lời như “cởi tấm vải” hơn. Không chỉ “Nữ hoàng quyến rũ”, điểm mặt các gameshow truyền hình hiện nay, không ít chương trình gây tranh cãi về độ táo bạo của người chơi, cũng như thuần phong mỹ tục Việt. Gần đây nhất, chương trình “Ngôi sao tình yêu” gây xôn xao khi nhân vật nữ chính ăn mặc quá gợi cảm, gần như khoe trọn vòng 1 trên sóng truyền hình. Chưa dừng lại ở đó, người chơi nam còn thoải mái dựa đầu vào vai, ngực, đùi của nhân vật nữ khi thực hiện thử thách của chương trình. Sự táo bạo, thoải mái của những người chơi này khiến người xem cảm thấy khó chịu.

Không biết bao nhiêu lần, dư luận tranh cãi trước những gameshow bị cho là có những yếu tố phản cảm trên cả truyền hình lẫn Youtube, nhưng có vẻ các chương trình này ngày một nhiều hơn chứ không có dấu hiệu thuyên giảm. Có thể là cố ý, cũng có thể là “lọt sóng” nhưng một điều dễ thấy, càng gây tranh cãi, lượt xem chương trình càng tăng lên. Đây có lẽ là lý do bất chấp phản ứng của dư luận, những chương trình mang đậm chất khêu gợi vẫn tiếp tục được sản xuất và thậm chí, độ táo bạo còn ngày một tăng hơn.

Trong thời đại công nghệ số, mọi thứ đều có thể dễ dàng tiếp cận với khán giả thì chính khán giả là những người nắm quyền lực lớn nhất trong việc quyết định một sản phẩm, chương trình nào đó có tồn tại được hay không. Trong khi cơ chế xử lý của pháp luật còn nhiều vấn đề, trước khi chờ đợi sự ra tay của cơ quan chức năng, mỗi khán giả đều có thể sử dụng quyền lực mềm của mình để bài trừ những sản phẩm độc hại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.