“Cuộc chiến” giữa nhạc sĩ Dương Cầm với Miu Lê - Only C cho thấy, khoảng cách và sự khác biệt của hai trường phái nghệ thuật và giải trí |
Giải trí và chuyên môn “phang nhau”
Những ngày qua, lùm xùm giữa nhạc sĩ – nhà sản xuất Dương Cầm và ca sĩ Miu Lê trong chương trình Sao đại chiến vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phỏng vấn trên báo chí, nam nhạc sĩ nhận xét Miu Lê không đủ trình độ làm ca sĩ bởi cô có những bài hát tầm thường và giọng hát không đạt được mức độ cơ bản. Tiếp đó, nhạc sĩ Dương Cầm và Only C tiếp tục tranh cãi về chất World music. Only C đập bàn và lớn tiếng: “Không cần ai, tất cả mọi người ở đây, phải tranh luận World music là gì. Tôi thích bản phối tôi làm”.
Thực tế, chẳng phải đến lùm xùm của Sao đại chiến, sự tranh cãi của các nghệ sĩ thuộc hai trường phái giải trí và nghệ thuật mới bắt đầu.Sự xuất hiện của các nghệ sĩ của hai trường phái này trong cùng một chương trình gameshow, truyền hình thực tế sẽ luôn xảy ra những bất đồng khó hòa giải. Trước đó, trong chương trình X-Factor 2016, ca sĩ Tùng Dương đã thẳng thừng chê bai sáng tác Không quan tâm của nhạc sĩ Dương Khắc Linh là có ca từ suồng sã, dễ dãi, thiếu tính định hướng và giáo dục cho giới trẻ. Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Khắc Linh giải thích, bài hát chỉ đơn giản là nêu lên vấn đề xã hội, gửi gắm thông điệp tới các bạn trẻ hay bị ảnh hưởng bởi các bình luận trên mạng xã hội. Hay, ca sĩ Thanh Lam cũng từng bày tỏ băn khoăn rằng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà lấy gì để dạy bảo các học trò trong chương trình Giọng hát Việt 2012.
Hai thế giới không bao giờ là một
Sự thật, thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc sự vận động và phát triển, làm cho cái cũ mất đi cái mới ra đời. Trên cơ sở đó, những tranh luận có tính văn hóa, dựa trên mong muốn phát triển nghệ thuật đều đáng được trân trọng và từ đó, có thể làm nền âm nhạc phát triển hơn. Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh, tranh cãi giữa hai trường phái nhạc thị trường giải trí và nhạc nghệ thuật sẽ luôn luôn tồn tại, bởi đây là hai “thế giới” khác biệt hoàn toàn. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, điều này vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nam nhạc sĩ lấy ví dụ, Britney Spear hát live không giỏi nhưng giỏi diễn trò trên sân khấu nên có lượng fan đông đảo. Còn những người làm nghệ thuật thực sự lại có lượng khán giả khác, thích những gì đâu ra đó, thích nghe những giọng ca nội lực. Fan hâm mộ của hai bên cũng luôn “gây chiến” với nhau.
Dương Khắc Linh cho rằng, mọi tranh luận đều có thể giúp âm nhạc tốt lên, nhưng phải tùy thuộc vào môi trường nào, tranh luận về cái gì và cách thức ra sao. Thế nhưng với anh, sẽ rất khó và không cần thiết phải kéo gần khoảng cách giữa nhạc giải trí và nhạc nghệ thuật, vì “hai thế giới” này sẽ không bao giờ hòa thành một. Anh quan điểm: “Nghệ thuật có nhiều thể loại, thích cái gì thì nghe cái đó. Hai thị trường khác nhau hoàn toàn và chúng ta buộc phải chấp nhận sự khác biệt”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Trần Minh Phi khẳng định, âm nhạc nghệ thuật và giải trí là hai kênh riêng biệt. Nghệ thuật nhiều khi chỉ cần thiểu số nhưng là những điều tinh túy, còn giải trí cần số đông chứ không cần nghệ thuật. Mỗi người có một thông điệp, quan điểm riêng. Nếu tranh luận thì hãy dựa trên thông điệp riêng của chương trình, so sánh cùng đơn vị chứ không nên áp đặt. Không được lấy nghệ thuật đánh giá giải trí và ngược lại. Mọi tranh luận trên cơ sở văn hóa tranh luận, có phản biện, lý luận sẽ giúp nghệ thuật phát triển. Làm được điều ấy, tới một mức nào đó, khoảng cách giữa âm nhạc nghệ thuật và âm nhạc giải trí sẽ được kéo gần, để nhạc giải trí nâng lên tầm nghệ thuật và nghệ thuật sẽ mang tính phổ quát của âm nhạc đại chúng.
“Quan trọng là tranh luận trên cơ sở phản biện, lý luận có văn hóa chứ không phải đấu đá, chỉ trích cá nhân. Không chụp mũ, áp đặt. Tôi thấy hiện giờ, mọi người tranh cãi nhiều hơn tranh luận. Tính phản biện rất thấp, chỉ mang tính phê phán chứ không phải phê bình. Nếu có tranh luận thì chỉ lấy nghệ thuật là cơ sở duy nhất để tranh luận, không phân biệt vùng miền, màu sắc…”, nhạc sĩ Trần Minh Phi chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận