Tháng 7 Âm lịch thường được dân gian gọi là ‘’tháng cô hồn’’, tháng mà các cửa hàng, quán xá đều kiêng kị không muốn khuếch trương kinh doanh buôn bán, tháng mà những hoạt động cúng bái cùng bao hủ tục được đẩy lên với những hình thức không thể dự báo trước...
Nguyên nhân thì ai cũng biết là do các vị thầy cúng, thầy bói trong các đền chùa, miếu mạo giảng giải cho đại chúng về cõi trần và cõi âm, về những âm hồn trước là người thân thích của mỗi gia đình hiện đang vất vưởng đói khát trong địa ngục, chỉ được Diêm chúa mở cửa ngục cho lên cõi trần xin cái ăn, cái mặc trong tháng Ngâu.
Lâu dần dân gian mặc nhiên coi tháng 7 Âm lịch là tháng của những cô hồn đói khát cần được thương tưởng bố thí, phần thì do các ông thầy cúng gieo rắc những lý luận mê tín có chủ đích, phần do thiếu hiểu biết nên đa phần người dân hiện nay đều quan niệm là ‘’trần sao, âm vậy’’.
Khi được nghe giới thầy cúng tỉ tê xui khiến thì nhà nhà, người người đi mua vàng mã, đặt các món đồ cúng bái làm từ giấy bồi. Nhà nào ít thì một mâm quần áo bé tí bằng giấy để tượng trưng cho quần áo của chúng sinh kèm theo là đủ lệ bộ tiền vàng địa phủ.
Những người bị thầy nói “năm nay tuổi hạn, tháng hạn” thì tin mua nào hình nhân thế mạng, ngựa, voi bằng vàng mã để về cúng lễ. Họ còn mua nhà, xe, máy bay, các đồ hàng mã giả như đồ thật để hóa cho thân quyến đã qua đời của mình...
Và tất nhiên, tất cả tiền thật được quy đổi ra thành vàng mã để đốt nhưng thời xưa và nay khác nhau hoàn toàn về quy mô của việc đốt vàng mã, giờ đây, việc hóa vàng mã còn nhằm thể hiện cả đẳng cấp của những người có tiền.
Mặc dù đã được các cơ quan chức năng phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên truyền người dân không đốt vàng mã gây lãng phí và mất an toàn về cháy nổ nhưng vẫn có những vụ hóa hàng trăm con ngựa bằng vàng mã, cháy rừng rực cả một bãi sông Hồng.
Nhiều vụ cháy do hóa vàng mã đã được liệt kê vào danh sách kinh điển của bà Hỏa như vụ cháy do hóa vàng mã tại đường Hồng Hà, Hà Nội tháng 8 năm 2012, vụ cháy rừng ở Hoài Nhơn, Bình Định năm 2014 do hóa vàng mã và quần áo người chết, vụ cháy tại chợ Kinh Môn, Hải Dương do cúng hóa vàng sau Tết 2015.
Gần đây nhất là vụ cháy ở Hải Phòng, TP HCM, gia chủ hóa vàng, “hóa” luôn cả ngôi nhà 2 tầng; đặt mâm hóa vàng gần xe, cúng xong hóa chả biết người thân ở cõi âm có nhận được tiền vàng hay không nhưng đã cháy cả xe thật để cạnh.
Không chỉ riêng nhận thức lệch lạc của những người mê tín trong việc đốt vàng mã mà việc hành lễ ở các cơ sở tôn giáo trong thời gian gần đây cũng có những sự mê muội gây hậu quả rất đáng tiếc.
Từ cuối năm 2019 đến nay, đại họa dịch bệnh Covid-19 đang bao phủ lên tất cả các nơi trên thế giới. Đã có rất nhiều giáo phái tuyên truyền về khả năng màu nhiệm của tâm linh có thể tránh được dịch bệnh.
Do vậy, mặc dù đã có cảnh báo của các cơ quan chức năng về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi đến các cơ sở tôn giáo nhưng số lượng người đến cầu xin sự an toàn trước dịch bệnh vẫn ở mức độ không thể kiểm soát và đã gây ra những vụ lây nhiễm rất nghiêm trọng như ở nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa tại Hàn Quốc.
Sự mê tín và chủ quan của một bộ phận lớn dân chúng Hà Nội khi đến lễ tại Phủ Tây Hồ thời gian vừa qua cũng như một lời cảnh báo với chính mỗi chúng ta cũng như các cơ quan chức năng.
Đạo Phật, Thiên Chúa đều dạy cho mọi người hướng đến chân thiện mỹ, chỉ nên làm điều thiện, không nên làm điều ác.
Đó chính là cách chúng ta tạo phước để tưởng nhớ và chia phước cho các thân quyến đã khuất và hiểu được rằng, những việc thiện ta làm sẽ giúp ta có được đời sống an toàn chứ không phải là chỉ đến chùa chiền, đền miếu để kêu cầu van vái theo cách mê tín dị đoan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận