Âm nhạc

Khi MV nhạc Việt ngập tràn hình ảnh bạo lực

09/06/2020, 06:06

MV có yếu tố bạo lực thực chất đã có từ lâu, khi MV ca nhạc dần thịnh hành trong làng giải trí.

img
MV của Soobin Hoàng Sơn từng bị "sờ gáy" vì cảnh tự tử gây ám ảnh

Đã có rất nhiều sản phẩm âm nhạc thời gian qua có chung mô-típ là khi nhân vật phát hiện bị “cắm sừng” hoặc vì ghen tuông trong tình yêu, bị lừa dối… đều dẫn tới kết cục là những cuộc trả thù đẫm máu.

Bạo lực, “hàng nóng” đủ cả

Khắc Việt đánh dấu sự trở lại đường đua nhạc Việt cùng MV mới “Sao em nỡ vậy”. Nội dung MV là câu chuyện về một chàng trai bị người yêu “cắm sừng” ngay trước mặt mình. Đáng nói, Khắc Việt sử dụng nhiều “hàng nóng” trong MV, với nhiều hình ảnh mang tính bạo lực như: Cầm dao, cầm súng, châm xăng đốt… nhằm giết những kẻ phản bội mình. Mặc dù những hình ảnh này chỉ là do Khắc Việt tưởng tượng vì bất lực, nhưng điều này cũng gây những ý kiến trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, những cảnh quay này có ảnh hưởng tiêu cực với giới trẻ, khuyên nam ca sĩ hoặc dán nhãn 18+ hoặc nên can thiệp làm mờ để MV không quá bạo lực nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực cho câu chuyện trong sản phẩm.

Chẳng phải đến Khắc Việt, MV có yếu tố bạo lực thực chất đã có từ lâu, từ khi MV ca nhạc dần thịnh hành trong làng giải trí. Những cảnh quay đánh đấm, máu me vẫn được các nghệ sĩ sử dụng để tạo cảm giác gay cấn như “Khung trời ngày xưa” (Đan Trường - Cẩm Ly), “Tôi đâu muốn khóc” (Ưng Hoàng Phúc), “Cho vơi nhẹ lòng” (Ngô Kiến Huy)… Nhưng nếu trước đây, việc sử dụng các cảnh quay này thường được cân nhắc để truyền tải những thông điệp mang tính tích cực thì giờ đây, các MV có yếu tố bạo lực lại khiến khán giả ái ngại khi dùng nó như một cách thể hiện sự ghen tuông trong tình yêu.

Đã có rất nhiều sản phẩm âm nhạc thời gian qua có chung mô-típ là khi nhân vật phát hiện bị “cắm sừng” hoặc vì ghen tuông trong tình yêu, bị lừa dối… đều dẫn tới kết cục là những cuộc trả thù đẫm máu, như “Tình nhân ơi”, “Talk to me”, “Mời anh vào team em”… Những sản phẩm này xuất hiện đủ loại dao dựa, súng ống - được dùng như những công cụ trả thù. Đáng nói, các MV này đều sở hữu hàng chục triệu lượt xem trên YouTube và nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Nói về điều này, theo đạo diễn Vũ Lâm, trước khi một video ca nhạc được thực hiện thường được duyệt qua nhiều khâu từ chủ đầu tư, ca sĩ, ê-kíp truyền thông. Do đó, sử dụng các chi tiết, yếu tố nào đều đã được bàn bạc kỹ lưỡng. Tất nhiên, đạo diễn càng giỏi càng ít phải dùng cảnh bạo lực mà vẫn ra được câu chuyện muốn truyền tải. Nhưng nếu có sử dụng hình ảnh bạo lực, nghệ sĩ thường coi đó chỉ là tình huống giả tưởng để người xem có một món ăn tinh thần mới mẻ. “Những người làm phim thường chỉ nghĩ vậy chứ không nghĩ tới việc cổ súy điều gì cả, vì không ai dại để làm như vậy”, anh chia sẻ.

Tưởng giả nhưng là thật

img
"Sao em nỡ vậy" của Khắc Việt được khuyên nên gắn mác 18+ vì sử dụng nhiều “hàng nóng”

Rõ ràng, MV ca nhạc chỉ mang tính chất minh họa cho bài hát hoặc như một câu chuyện mà người sáng tạo muốn kể để truyền tải thông điệp nào đó. Và dĩ nhiên, đó đều là những sản phẩm của tưởng tượng và mang tính giải trí.

Đừng kỳ vọng quá nhiều về một sản phẩm, tạo áp lực cho những người làm phim. Nhưng cũng cần rõ ràng rằng, nếu liên quan tới những thứ tiêu cực, người làm phim nên cố gắng kể theo cách nhẹ nhàng, văn minh nhất. Bất cứ điều gì từ bạo lực, tự sát… nếu được kể bằng hình ảnh một cách khéo léo sẽ mang tới thước phim giá trị. Ngược lại, một sản phẩm kể chuyện theo hướng tiêu cực sẽ gây tác động tiêu cực.
Đạo diễn Vũ Lâm


Tuy nhiên năm 2019, MV “Nếu ngày ấy” của Soobin Hoàng Sơn đã bị YouTube “tuýt còi”. MV gây xôn xao khi chứa nhiều cảnh bạo hành, đặc biệt có phân đoạn nam chính dùng súng tự sát. Phân cảnh này mô tả khá chân thực khiến nhiều người ám ảnh, “nổi da gà”. Sản phẩm sau đó đã bị văng khỏi top trending và bị đưa vào danh sách hạn chế với lời khuyến cáo: “Cộng đồng YouTube đã xác định nội dung sau đây là không phù hợp hoặc có tính xúc phạm một số khán giả”. Để có thể xem được MV, người dùng buộc phải đăng nhập và chứng minh mình đủ 16 tuổi trở lên. Điều đó cho thấy, sự bạo lực dù trong sản phẩm giả tưởng cũng cần có giới hạn.

Theo Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, MV là một sản phẩm truyền thông nên khi đến được với đối tượng người xem, chắc chắn sẽ có sự tác động nhất định tùy đối tượng và nhóm tiếp cận. Dù là sản phẩm giả tưởng để minh họa nhưng âm nhạc vẫn có khả năng tác động tới con người tùy độ nhập tâm của người tiếp cận. Với cách thức minh họa theo chiều hướng tiêu cực thì trong những trường hợp rơi vào tình huống tương tự, người xem có thể nghĩ tới những hình ảnh đó và đôi khi có hành động mang tính tiêu cực.

Chưa kể, MV hướng tới người trẻ có sự nhận thức và trải nghiệm non nớt về xã hội thì có thể sẽ có tác động nhất định tới hành vi của giới trẻ. Cùng đó, sản phẩm video âm nhạc không giới hạn độ tuổi lại càng có khả năng tiếp cận với trẻ em - đối tượng chưa đủ trình độ thẩm thấu, phân biệt đúng sai. Từ đó, có thể làm các em bắt chước theo cách đơn thuần, dẫn tới những hệ lụy.

Dù vậy, tiến sĩ Quân cho rằng, mức độ ảnh hưởng của yếu tố bạo lực trong MV phải xét ở việc người xem để tâm đến nó tới mức nào. Nếu chỉ là MV xem một lần thì mức độ ảnh hưởng không quá nghiêm trọng. Đối với các em nhỏ, cần có sự định hướng và tham gia của người lớn để giúp các em hiểu điều gì nên xem. Còn người trưởng thành hãy xem đó chỉ là sản phẩm giải trí, cần có sự tách bạch nhất định giữa giải trí và đời sống. “Những người của công chúng cũng phải hiểu bản thân có tác động tới nhiều người, nên cần lựa chọn nội dung để đưa lên, nhằm lan tỏa thông điệp tích cực và tạo hiệu ứng tích cực”, anh nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.